Microsoft mở rộng thị trường game với thương vụ lịch sử 68,7 tỷ USD

Game MỸ
11:43 - 19/01/2022
Trụ sở của Microsoft. Ảnh: pixabay
Trụ sở của Microsoft. Ảnh: pixabay
0:00 / 0:00
0:00
Microsoft đang mua lại Activision Blizzard, nhà sản xuất đứng sau tựa game “Call of Duty”, trong một thương vụ lịch sử của ngành trị giá 68,7 tỷ USD, trong bối cảnh các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đang tham gia cuộc chạy đua xây dựng vũ trụ ảo của mình.

Được công bố vào ngày 18/1, thương vụ của Microsoft là thỏa thuận có trị giá lớn nhất từ trước tới nay của ngành công nghiệp game. Theo Refinitiv, đây cũng sẽ là thương vụ mua lại hoàn toàn bằng tiền mặt lớn nhất ghi nhận được. Giá trị của nó thậm chí còn vượt qua lời đề nghị trị giá 63,9 tỷ USD của Bayer dành cho Monsanto vào năm 2016 và 60,4 tỷ USD mà InBev đã đấu thầu cho Anheuser-Busch vào năm 2008.

Sophie Lund-Yates, nhà phân tích cổ phiếu tại Hargreaves Lansdown, cho biết: “Những công ty như Netflix cũng từng đưa ra đề nghị tham gia vào lĩnh vực game nhưng Microsoft đã đưa ra lời đề nghị khá hào phóng”.

Ưu đãi của Microsoft tương đương với 18 lần thu nhập năm 2021 của Activision trước lãi suất, thuế, khấu hao cố định hữu hình và khấu hao cố định vô hình (hay còn được gọi chung là EBITDA). Với động thái này, Microsoft kỳ vọng sẽ củng cố được sức mạnh của mình trên thị trường game đang ngày càng trở nên cạnh tranh trước các công ty game nổi tiếng khác như Tencent và Sony.

Thỏa thuận kỷ lục này được đưa ra trong thời điểm Activision, nhà sản xuất đứng sau các tựa game nổi tiếng như “Overwatch” và “Candy Crush” đang gặp nhiều khó khăn. Trước khi thương vụ mua lại được công bố, cổ phiếu của công ty đã tụt hơn 37% sau khi đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do các nhà quản lý hàng đầu của Activision bị vướng vào nhiều cáo buộc quấy rối tình dục nhân viên và các hành vi sai trái khác.

Hiện công ty game này vẫn đang giải quyết những cáo buộc đó. Gần đây nhất vào 17/1, Activision cho biết đã sa thải hoặc đuổi việc hơn 30 nhân viên và kỷ luật 40 người khác kể từ tháng 7 năm ngoái tới nay. Theo một nguồn tin ẩn danh, giám đốc điều hành Bobby Kotick sẽ tiếp tục giữ chức vụ này tại Activision sau thương vụ. Tuy vậy ông có khả năng sẽ rời đi sau khi công ty này đóng cửa.

Trong một cuộc gọi hội nghị với các nhà phân tích, ông chủ Microsoft là Nadella đã không trực tiếp đề cập đến vụ bê bối này mà chỉ nhấn mạnh về tầm quan trọng của văn hóa trong công ty. Ông cho biết: “Điều quan trọng Activision Blizzard cần làm chính là thúc đẩy các cam kết đổi mới văn hóa công ty của mình”. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng “sự thành công của thương vụ mua lại này sẽ phụ thuộc vào nó”.

Gian hàng của Activision tại Triển lãm Điện tử Giải trí 2017 tại LA, Mỹ. Ảnh: Reuters

Gian hàng của Activision tại Triển lãm Điện tử Giải trí 2017 tại LA, Mỹ. Ảnh: Reuters

Việc mua lại cũng thể hiện sự đặt cược của công ty đa quốc gia Mỹ vào thế giới trực tuyến ảo "metaverse" - nơi mọi người có thể làm việc, vui chơi và giao lưu.

Metaverse đang dần trở thành một lĩnh vực nóng và bắt đầu thu hút sự chú ý lớn sau khi Facebook đổi tên thành Meta Platforms để thể hiện tham vọng của mình. Các công ty công nghệ từ Microsoft cho đến Nvidia đều đang đặt cược lớn vào ngành này.

Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella nhận định: "Hiện nay game là loại hình giải trí năng động và thú vị nhất trên tất cả các nền tảng và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nền tảng metaverse".

Theo các giám đốc điều hành, 400 triệu người dùng hoạt động hàng tháng của Activision chính là một điểm thu hút của thỏa thuận này. Trong tương lai khi những cạnh tranh trên thị trường metaverse trở nên khốc liệt hơn, cộng đồng này sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng với viễn cảnh thành công của Microsoft.

Thư viện trò chơi của Activision cũng sẽ mang lại lợi thế cho nền tảng chơi game Xbox của Microsoft khi đặt lên bàn cân với Playstation của Sony – nền tảng vốn nổi tiếng là ổn định về các dòng game độc quyền.

Theo David Wagner, nhà phân tích cổ phần và quản lý danh mục đầu tư tại Aptus Capital Advisors, việc Microsoft mua lại Activision đã chính thức bắt đầu cuộc chạy đua metaverse trên thế giới. Ông tin rằng thoả thuận này sẽ được thực hiện nhưng sẽ phải trải qua các vòng kiểm tra gắt gao.

Với tư cách là một trong ba nhà sản xuất tay cầm chơi game lớn nhất, Microsoft đang ở vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực. Trong những năm gần đây, tập đoàn còn mở rộng hơn nữa với việc mua lại Mojang Studios - nhà sản xuất tựa game “Minecraft” và nhà sản xuất Zenimax bằng các thương vụ trị giá hàng tỷ USD.

Thêm vào đó, dịch vụ trò chơi điện toán đám mây của tập đoàn này cũng rất phổ biến khi ghi nhận tới hơn 25 triệu người đăng ký. Theo Newzoo, thị phần game của Microsoft ở mức 6,5% vào năm 2020 và sẽ được nâng lên 10,7% sau khi tập đoàn này đạt được Activision.

Theo Andre Barlow thuộc công ty luật Doyle, Barlow & Mazard PLLC, cho đến nay Microsoft đã tránh được những giám sát kĩ lưỡng mà Google và Facebook đã gặp phải. Tuy nhiên, Microsoft vốn đã là một công ty game lớn và với thỏa thuận này, nhà sản xuất Xbox sẽ tiếp tục trở thành công ty game lớn thứ 3 trên thế giới. Điều này có khả năng cao sẽ khiến hãng bị đưa vào tầm ngắm của các nhà lập pháp.

Nhưng theo một nguồn tin có hiểu biết về vấn đề này, Microsoft sẽ trả một khoản phí phá vỡ hợp đồng 3 tỷ USD nếu thương vụ này không thành công. Điều này gián tiếp thể hiện rằng tập đoàn công nghệ này tự tin sẽ giành được sự chấp thuận trong vấn đề chống độc quyền từ các cơ quan quản lý.

Microsoft hiện đang là một trong những công ty lớn nhất thế giới nhờ vào các mảng kinh doanh điện toán đám mây như nền tảng Azure và nhượng quyền thương mại Outlook. So với kết quả kết thúc phiên giao dịch hôm 14/1 của Activision, cổ phiếu của tập đoàn công nghệ này đang được chào bán ở mức 95 USD cho mỗi cổ phiếu - cao hơn 45%.

Cổ phiếu của Activision lần gần đây nhất đã tăng 26% ở mức 82,10 USD. Tuy nhiên, đây vẫn là một mức chiết khấu mạnh so với giá chào bán và nó phản ánh những lo ngại rằng thỏa thuận có thể gặp khó khăn bởi sự kiểm duyệt của các cơ quan quản lý.

Mặt khác, cổ phiếu của Sony, đối thủ của Microsoft trong lĩnh vực game, lại giảm 9% vào 19/1 sau khi Microsoft công bố thương vụ kỷ lục này. Động thái mở rộng này từ phía Microsoft sẽ tạo ra những thách thức lớn với nhà sản xuất game của Nhật Bản.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.