Món quà tinh thần: Tăng lương

Tăng lương CHÍNH SÁCH
07:36 - 01/07/2023
Ảnh: Sơn Quách
Ảnh: Sơn Quách
0:00 / 0:00
0:00
Từ hôm nay ngày 1/7/2023, chính thức thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

82.000 đồng là số tiền chị Hạnh, giáo viên một trường cấp 3 Quảng Ninh vừa trả cho chai dầu ăn một lít ở cửa hàng tiện lợi gần nhà. Trước đây, cũng chai dầu ăn đó, chị Hạnh chỉ phải trả hơn 70.000 đồng.

"Giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm có chiều hướng nhích nhẹ. Tôi cùng các đồng nghiệp đếm từng ngày tới 1/7 để được tăng lương", chị Hạnh bày tỏ. Song niềm vui tăng lương cũng đi kèm nỗi lo lắng về mức chi tiêu sinh hoạt gia đình sẽ có sự biến động theo giá.

"Theo chính sách mới thì lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, nhân với hệ số lương, lương của tôi tăng lên khoảng 900 nghìn mỗi tháng. Nhưng nói thật là cũng hồi hộp lo là nếu tăng lương 1, giá cả lại tăng 4,5 thì không thấm tháp vào đâu nếu chi phí sinh hoạt leo thang theo giá cả ", chị Hạnh thở dài.

Hơn 3 triệu người được tăng lương hưu từ 12,5% đến 20,8%

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24 ngày 14/5/2023 Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, tiến hành tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, cũng tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, hơn 3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ Nghị định trên của Chính phủ.

Điệp khúc lương - giá

Chia sẻ với Mekong ASEAN về câu chuyện tăng lương, ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tăng lương là một chủ trương đúng, trúng và kịp thời của Chính phủ, Quốc hội, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Vấn đề ở đây là cần phải kiềm chế mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi nguy cơ tăng giá tiêu dùng vẫn còn hiện hữu, khi nỗi lo lương chưa kịp tăng, giá đã bỏ xa hàng kilomet.

Lịch sử của tiền lương và lạm phát cũng đã có ghi nhận. Tháng 7/2018, điều chỉnh lương cơ sở từ mức 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng. Cùng thời điểm đó, CPI tháng 6/2018 đã tăng 0,61% và chỉ số lạm phát tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước đó.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Giá đuổi theo lương hay lương đuổi theo giá?

Một so sánh nhỏ, thu nhập của người lao động qua 16 lần tăng lương cơ sở từ năm 2000 đến 2019. Sau 19 năm, mức lương cơ sở năm 2000 là 180.000 đồng, đến năm 2019 là 1.490.000 đồng. Lương cơ sở tăng mỗi lần chỉ ở mức từ vài chục nghìn đến một trăm nghìn đồng. Thế nhưng giá cả thị trường thì luôn chạy với tốc độ cao hơn và sẽ là hơi khập khiễng nếu đặt tương quan 2 chỉ số này cạnh nhau.

Tính riêng trong giai đoạn 2004 - 2012, tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tổng cộng 7 lần, từ mức 210.000 đồng/tháng lên mức 830.000 đồng, tương đương mức tăng gần 4 lần.

Trong thời gian ấy, chỉ số lạm phát ghi nhận chính thức từ cơ quan thống kê cũng tăng khoảng 2,5 đến 3 lần. Cá biệt, năm 2008, khi lương tối thiểu được điều chỉnh từ 450.000 đồng lên 540.000 đồng, tăng 20%. Lạm phát thời gian đó được ghi nhận chính thức ở mức 22,97%.

Tất nhiên có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra cơn lạm phát 2008, nhưng "lương" đã chịu là thân phận chịu thiệt thòi hơn trong bối cảnh thời điểm đó, khi lương tăng không thấm tháp gì so với mức độ trượt của giá cả và lạm phát thời điểm đó.

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vừa qua, khi bàn về vấn đề tăng lương cơ sở, lương hưu, đại biểu Triệu Thị Huyền - đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, mục tiêu là phải đạt được như Quốc hội giao là CPI năm 2023 tăng khoảng 4,5%. Muốn giữ được giá, phải đáp ứng quan hệ cung - cầu. Điều này Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, Phó Thủ tướng quán triệt, với những mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục thống kê lý giải, giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý 2 và 6 tháng năm 2023 vừa qua cũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng và tăng lương có tác động lẫn nhau. Lương tăng - đời sống người dân tăng, nhu cầu tăng lên, dẫn đến sự thay đổi quan hệ cung - cầu, kéo theo biến động giá hàng hóa tiêu dùng. Qua các đợt tăng lương cơ sở, Tổng cục Thống kê đều quan sát rất kỹ nếu giá hàng hóa tiêu dùng tăng, nhất là thực phẩm.

"Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, nguồn cung hàng hóa đảm bảo tốt, việc tăng lương kéo theo giá cả hàng hóa tăng nhưng không đột biến.Tôi tin rằng không xảy ra tình trạng giá cả, hàng hóa dịch vụ tăng quá cao", Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nói.

Hậu tăng lương, bao giờ cho đến tháng 10

Dân gian có câu "mưa lúc nào, mát mặt lúc ấy". Trong khi bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả trên thị trường lại không ngừng leo thang, tăng lương không chỉ là một liều thuốc tinh thần cần thiết, mà là một chính sách kịp thời, hợp lý và đúng thời điểm, đáp ứng mong mỏi của người lao động.

Song muốn giải quyết khó khăn cho cán bộ, công chức và người lao động đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách sẽ có những bước đi dài hơi, những tính toán căn cơ trong tổng thể các giải pháp phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Giữa nghị trường Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Đoàn ĐBQH Tỉnh Bạc Liêu đặt ra vấn đề, lương cơ sở tăng có giữ chân được các cán bộ công chức viên chức trong khu vực công hay không?

Theo đại biểu, lương tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng không phải giải pháp dài hơi để công chức viên chức gắn bó với nghề ở khu vực công, mà đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương mới thực sự là giải pháp căn cơ, điều mà lẽ ra nếu không phải quay quắt vì đại dịch thì đã được thực hiện từ năm 2021.

Đại biểu nhấn mạnh, mức lương cơ sở tăng là rất quý ở thời điểm hiện tại, nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực Nhà nước và lương ngoài thị trường. Theo đó, thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp căn cơ.

Khi thị trường kinh tế lao động phát triển, giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng đồng thời phải cạnh tranh phải giữ chân những người tài, những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống cho cán bộ công chức viên chức và người lao động làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả.

Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV mới được thông qua, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội về lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến vào tháng 10 tới đây.

Niềm vui khi ấy có lẽ sẽ trọn vẹn hơn, nhưng đó sẽ là câu chuyện được bàn bạc vào tháng 10 tới, tăng lương từ hôm nay, hãy xem không chỉ là "món quà tinh thần", mà là một nỗ lực trong khó khăn, để những người lao động có thể phần nào yên tâm làm việc.

Tin liên quan

Đọc tiếp