NATO: 'Cần nhiều vũ khí hơn nữa cho Ukraine'

chiến sự Nga - Ukraine
07:47 - 13/10/2022
Binh sĩ Ukraine khai hỏa hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 ở Kharkov, ngày 4/10. Ảnh: AFP
Binh sĩ Ukraine khai hỏa hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 ở Kharkov, ngày 4/10. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước thành viên tăng cường sản xuất và viện trợ hệ thống phòng không và tên lửa cho Ukraine, mặt khác phải bảo vệ các cơ sở hạ tầng năng lượng trong bối cảnh nhiều đường ống khí đốt gặp sự cố.

“Các đồng minh đã cung cấp hệ thống phòng không và tên lửa, nhưng chúng tôi còn cần nhiều hơn thế. Chúng tôi cần các loại hệ thống phòng không tầm ngắn, tầm xa để hạ tên lửa đạn đạo, cũng như cần thêm tên lửa hành trình, máy bay không người lái, các loại vũ khí khác nhau cho các nhiệm vụ khác nhau”, AP dẫn tuyên bố trước cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12/10.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP

“Ukraine là một quốc gia lớn, có nhiều thành phố. Vì vậy, chúng tôi cần mở rộng quy mô viện trợ để có thể giúp Ukraine bảo vệ nhiều thành phố hơn và nhiều lãnh thổ hơn trước các cuộc tấn công”, nhà lãnh đạo NATO khẳng định.

Theo AP, kể từ chiến sự nổ ra, khối liên minh quân sự 30 thành viên này đã tung nhiều "gói viện trợ phi sát thương cho Ukraine" và ngăn chặn bị kéo vào cuộc xung đột. Mặc dù vậy, nhiều quốc gia trong khối vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí và đạn dược, bao gồm cả xe bọc thép và hệ thống phòng không hoặc chống tăng tới Kiev.

Tuy nhiên, trước diễn biến chiến sự leo thang trở lại khi Nga mở các cuộc không kích tên lửa tại nhiều thành phố Ukraine, NATO nhận định rằng, các gói viện trợ quân sự hiện nay “là chưa đủ”.

Tuy nhiên, vấn đề lúc này đối với các nước đó là “kho dự trữ quân sự quốc gia có thể sẽ bị cạn kiệt”. Tại châu Âu, lượng vũ khí khu vực này có thể cung cấp cho Ukraine đang ở mức thấp. Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, từng lên tiếng: “Kho dự trữ quân sự của hầu hết các quốc gia thành viên NATO tại châu Âu đang dần cạn do chúng tôi đã cung cấp rất nhiều vũ khí cho Ukraine”.

Thậm chí một số quốc gia cũng tỏ ra miễn cưỡng khi phải viện trợ nhiều hơn cho Ukraine, với lý do bảo vệ lãnh thổ và không phận trước các rủi ro.

NATO kêu gọi đồng minh tăng cường sản xuất và viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ảnh: AP

NATO kêu gọi đồng minh tăng cường sản xuất và viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ảnh: AP

Trong khi đó, đối với ngành công nghiệp quốc phòng, khả năng dự báo là yếu tố vô cùng quan trọng. Các công ty này cần những đơn hàng dài hạn và chắc chắn, trước khi cam kết mở rộng dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, không ai dám chắc cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu nên khó có thể biết được lượng vũ khí cần thiết là bao nhiêu.

Vì vậy, Mỹ và các đối tác muốn thúc đẩy sản xuất vũ khí đã gửi tín hiệu rõ ràng tới ngành công nghiệp này thông qua việc khẳng định “kho dự trữ quốc gia sẽ không cạn kiệt”, đồng thời tiếp tục tăng các nguồn lực viện trợ cho Ukraine.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng NATO không nên can dự sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời chỉ trích động thái bơm vũ khí cho Kiev chỉ khiến cho cuộc chiến kéo dài hơn.

"Chúng tôi đã nghe được những tuyên bố chính thức từ quân đội và chính quyền Mỹ hiện nay về ý định tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, cũng như kéo dài cuộc xung đột, khiến đây trở thành cuộc xung đột đau khổ nhất cho phía Ukraine. Hiện nay, đó chính xác là những gì chúng tôi nhận thấy", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.

Quan chức này cũng đánh giá rằng "Mỹ và các đồng minh đang can thiệp sâu vào cuộc xung đột này".

Một vấn đề khác mà NATO đang đối mặt đó là tình trạng rủi ro về an ninh năng lượng, trong bối cảnh hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt Nord Stream từ Nga đến Đức gặp sự cố rò rỉ trên biển Baltic.

Đám bọt khí nổi trên mặt biển do đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch
Đám bọt khí nổi trên mặt biển do đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Tình trạng rò rỉ tương tự cũng được Ba Lan báo cáo tại đường ống dẫn dầu Druzhba tại đoạn ống ngầm gần thành phố Plock, miền Trung nước này. Druzhba là một trong những đường ống khí đốt dài nhất thế giới có nguồn gốc từ Nga, có vai trò vận chuyển dầu thô cho Belarus, Ukraine, Ba Lan, Áo và Đức.

Tổng thư ký NATO cho biết, vụ rò rỉ đường ống Nord Stream nối Nga và Đức là “vụ phá hoại”. Quan chức này đồng thời nói rằng khối đã “tăng gấp đôi sự hiện diện ở Biển Baltic và Biển Bắc lên hơn 30 tàu, kèm theo các máy bay tuần tra hàng hải và có khả năng thăm dò dưới biển”.

Ngay cả khi không thể xác định trách nhiệm của các vụ rò rỉ đường ống cho các cá nhân/tổ chức nào, nhưng NATO cũng đưa ra những cảnh báo: “Bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của các đồng minh sẽ được đáp lại bằng phản ứng đồng loạt và quyết liệt”, ông Stoltenberg tuyên bố.

Quan chức này từ chối cho biết loại “phản ứng” đó có thể là gì. Giới quan sát cho biết, các cuộc “phá hoại” cơ sở hạ tầng có thể “kích hoạt” Điều 5 - điều khoản phòng thủ tập thể của NATO, trong đó quy định “một cuộc tấn công vào bất kỳ đồng minh nào sẽ được nhận được đáp trả từ tất cả các thành viên”.

Tin liên quan

Đọc tiếp