Nga tuyên bố đang tìm cách ‘giải phóng’ khu vực Donbass

chiến sự Nga – Ukraine
18:54 - 19/04/2022
Các phương tiện quân sự của Nga di chuyển trên đường cao tốc trong khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát gần Mariupol, Ukraine, ngày 18/4. Ảnh: AP
Các phương tiện quân sự của Nga di chuyển trên đường cao tốc trong khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát gần Mariupol, Ukraine, ngày 18/4. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 19/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố Moscow đang tìm cách "giải phóng" khu vực miền đông Ukraine, đồng thời cáo buộc phương Tây kéo dài chiến dịch quân sự bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev.

"Chúng tôi đang từng bước thực hiện kế hoạch giải phóng Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói khi nhắc đến hai nhà nước tự xưng ở Donbass, miền đông Ukraine, những thực thể đã được Moscow công nhận là các quốc gia độc lập.

"Chúng tôi đang có các biện pháp để khôi phục cuộc sống hòa bình", AFP dẫn lời ông Shoigu nói trong cuộc họp với các chỉ huy quân đội Nga trên sóng truyền hình.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: AFP

Bình luận của ông Shoigu được đưa ra sau khi Kiev cáo buộc Nga mở một cuộc tấn công mới ở miền đông Ukraine, đánh dấu giai đoạn thứ hai trong chiến dịch quân sự kéo dài gần hai tháng qua của Moscow ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cáo buộc Washington và các đồng minh phương Tây về tình hình hiện nay. “Các quốc gia phương Tây dưới sự kiểm soát của Washington đang làm mọi cách để kéo dài chiến dịch quân sự trong thời gian càng lâu càng tốt. Khối lượng viện trợ vũ khí nước ngoài ngày một tăng thể hiện ý định của họ, nhằm kích động chính quyền Kiev chiến đấu đến cùng”, ông nói Shoigu nói thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky từng cho biết vũ khí mà Mỹ và các nước phương Tây cung cấp cho Kiev đến nay bao gồm gói hỗ trợ an ninh 800 triệu USD mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã giúp nước này chống cự lại các cuộc tấn công từ Nga.

Một lính đặc công Ukraine thu nhặt đạn pháo, lựu đạn và các thiết bị khác chưa nổ ở Hostomel, gần Kiev, Ukraine, ngày 18/4. Ảnh: AP

Một lính đặc công Ukraine thu nhặt đạn pháo, lựu đạn và các thiết bị khác chưa nổ ở Hostomel, gần Kiev, Ukraine, ngày 18/4. Ảnh: AP

Tuy nhiên, ông Zelensky nói rằng, Kiev “cần nhiều hơn”. “Sẽ không bao giờ là đủ. Có cả một cuộc chiến toàn diện đang diễn ra trên đất nước chúng tôi và chúng tôi cần nhiều hơn. Chúng tôi không có lợi thế so với Nga”, ông Zalensky cho biết.

Cho đến nay, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine lên tới 1,2 tỷ USD, gồm hơn 17.000 tên lửa chống tăng Javelin, 2.000 tên lửa phòng không Stinger và các vũ khí hạng nặng, vũ khí cỡ nhỏ khác. Bên cạnh đó, Anh cho biết đã gửi hơn 2.000 bệ phóng tên lửa chống tăng NLAW cùng hàng trăm người tới Ukraine để hỗ trợ các khóa huấn luyện ngắn hạn. Trong khi đó, khối quân sự NATO và một số nước thành viên đã cung cấp hơn một triệu vật tư quân sự, vũ khí, bao gồm cả tên lửa cho Ukraine.

Các cuộc giao tranh tại Donbass: Phía Ukraine cho biết, lực lượng các bên bắt đầu giao tranh dọc theo mặt trận dài hơn 480 km ở khu vực Donetsk và Luhansk. Theo CNN, ông Serhii Haidai, người đứng đầu Cục Quản lý quân sự khu vực Luhansk cho biết, quyền kiểm soát Kreminna “đã bị mất” và giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn trong thành phố. Lực lượng Nga đang có bước đột phá tại Kreminna và tiến gần hơn đến thành phố Slovyansk – mục tiêu then chốt trong chiến dịch lần này.

Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn để sơ tán dân thường: Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo “ngay lập tức” giữa Nga và Ukraine, để “bảo đảm của các hành lang nhân đạo, giúp sơ tán dân thường và cũng cung cấp hỗ trợ nhân đạo và y tế”.

Trước đó, Liên Hợp Quốc cho biết các lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Ukraine “hiện chưa được thực hiện” nhưng có thể diễn ra trong một vài tuần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 12 triệu người ở Ukraine đã phải bỏ nhà cửa vì chiến tranh.

Pháp ủng hộ việc cấm nhập khẩu dầu của Nga: Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết nước này ủng hộ việc gia hạn các biện pháp trừng phạt để cấm nhập khẩu dầu của Nga. Vị quan chức này nói thêm, Pháp đang cố gắng thuyết phục EU ngừng nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời cáo buộc rằng một số quốc gia "do dự" trong việc làm như vậy.

New Zealand công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các tổ chức tài chính Nga: Trong một tuyên bố ngày 19/4, Bộ trưởng Ngoại giao Nanaia Mahuta cho biết, New Zealand đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với hơn 10 tổ chức tài chính của Nga, bao gồm cả ngân hàng trung ương.

Trong tháng qua, New Zealand đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân Nga, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, các thành viên trong hội đồng an ninh của ông, các chính trị gia, nhà tài phiệt và các nhà lãnh đạo quân sự.

Tin liên quan

Đọc tiếp