Nga tuyên bố xây đường ống khí đốt đến Trung Quốc thay châu Âu

NĂNG LƯỢNG NGA
15:14 - 16/09/2022
Lễ khởi công xây dựng đường ống Power of Siberia tại tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, năm 2015. Ảnh: AP
Lễ khởi công xây dựng đường ống Power of Siberia tại tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, năm 2015. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 15/9 tuyên bố, Nga sẽ triển khai dự án xây dựng đường ống vận chuyển khí đốt Power of Siberia 2 đến Trung Quốc, nhằm thay thế đường ống Nord Stream 2 đến châu Âu.

Khi được kênh truyền hình Nga Rossiya-1 hôm 15/9 hỏi về việc liệu Nga có thay thế đường ống Nord Stream 2 bằng đường ống Power of Siberia 2 hay không, Bộ trưởng Năng lượng Nga trả lời rằng: “Đúng vậy”.

Ông Novak cho biết, dự án đường ống Power of Siberia 2 được Nga và Trung Quốc thảo luận trong vài năm gần đây. Trong đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga muốn xây dựng một đường ống qua Mông Cổ để vận chuyển khí đốt Nga đến Trung Quốc. Đường ống này dự kiến khởi công vào năm 2024, được coi là kế thừa từ dự án Power of Siberia, trải dài từ đông Siberia đến miền Bắc Trung Quốc.

Trước đó cùng ngày, ông Novak tiết lộ rằng, Moscow và Bắc Kinh sẽ sớm ký các thỏa thuận về vận chuyển "50 tỷ m3 khí đốt" mỗi năm qua đường ống Power of Siberia 2 trong tương lai. Lưu lượng trên gần tương đương với công suất tối đa 55 tỷ m3/năm của Nord Stream 1 - đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic.

Quan chức này cho biết, việc xuất khẩu khí đốt Nga sẽ giảm 50 tỷ m3 vào năm 2022, nhưng tập đoàn Gazprom có kế hoạch sẽ "tăng lưu lượng vận chuyển” khí đốt tới Trung Quốc lên 20 tỷ m3/năm. Ông nhận định, việc kết nối mỏ khí Kovytka, gần hồ Baikal, với đường ống Power of Siberia vào đầu năm 2023 sẽ giúp Nga đạt mục tiêu này. Theo dự báo, đến năm 2025, khi đạt công suất tối đa, đường ống sẽ vận chuyển khoảng 61 tỷ m3 khí đốt/năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO, ngày 15/9. Ảnh: AP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO, ngày 15/9. Ảnh: AP

Phát biểu tại cuộc gặp ba bên hôm 15/9 với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh SCO ở thành phố Samarkand, Uzbekistan, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tuyên bố ủng hộ dự án này, đồng thời đề xuất các nghiên cứu về tính khả thi kinh tế của dự án.

"Chúng tôi cũng ủng hộ việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc qua lãnh thổ Mông Cổ và đề nghị nghiên cứu vấn đề này trên quan điểm lý luận kinh tế kỹ thuật", ông Khurelsukh nói.

Trong lúc này, Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước thách thức lớn về nguồn cung năng lượng. Khoảng 1/3 lượng khí đốt của khối vốn được vận chuyển từ Nga tới Đức qua Nord Stream 1. Tuy nhiên, đường ống này dừng hoạt động vô thời hạn từ hôm 2/9 vì lý do lỗi kỹ thuật trong quá trình bảo trì.

Moscow khẳng định các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine mới là lý do cản trở hoạt động và bảo trì thường kỳ của Nord Stream 1. Ngược lại, EU lại cho rằng đây là cái cớ và Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí kinh tế để trả đũa.

Ngoài ra, dự án đường ống Nord Stream 2 hoàn thành từ cuối năm 2021, với công suất 110 tỷ m3/năm, đã bị Đức hoãn vô thời hạn cấp giấy phép hôm 22/2 – chỉ hai ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tin liên quan

Đọc tiếp