Chiến sự tại Ukraine làm gia tăng làn sóng bảo hộ lương thực toàn cầu

Lương thực THẾ GIỚI
15:12 - 05/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Chiến sự tại Ukraine đang khiến nhiều chính phủ dựng lên các hàng rào thương mại để ngăn chặn xuất khẩu lương thực, bảo vệ nguồn cung nội địa. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các chính sách này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Siết chặt hoạt động xuất khẩu lương thực

Theo New York Times, làn sóng hạn chế xuất khẩu giữa các quốc gia trên thế giới đang ngày càng lan rộng. Ukraine đã hạn chế xuất khẩu dầu hướng dương, lúa mì, yến mạch và gia súc nhằm bảo vệ nền kinh tế đang bị chiến sự tàn phá. Nga đã cấm xuất khẩu phân bón, đường và ngũ cốc. Indonesia, nước sản xuất hơn một nửa lượng dầu cọ trên thế giới, đã cấm tạm thời xuất khẩu mặt hàng dầu từ cuối tháng 4. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ngừng xuất khẩu bơ, thịt bò, thịt cừu, dê, bắp và dầu thực vật.

Các hạn chế xuất khẩu như vậy đang khiến giá ngũ cốc, dầu, thịt và phân bón, vốn đã ở mức cao kỷ lục, nay trở nên đắt hơn và thậm chí khó mua hơn. Điều này đang đặt ra gánh nặng đối với người nghèo trên thế giới, những người đang phải dành một phần lớn hơn trong thu nhập cho việc mua thực phẩm. Ngoài ra, các nước nghèo sẽ phải đứng trước những rủi ro về bất ổn an ninh lương thực.

Những bao phân bón tại cảng ở Mykolaiv, Ukraine. Ảnh: NYT

Những bao phân bón tại cảng ở Mykolaiv, Ukraine. Ảnh: NYT

Trong năm 2022, các quốc gia đã áp đặt tổng cộng 47 lệnh hạn chế xuất khẩu đối với lương thực, thực phẩm và phân bón, trong đó có 43 lệnh được áp dụng kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, theo dữ liệu theo dõi của GS. Simon Evenett, ngành thương mại quốc tế và phát triển kinh tế tại Đại học St. Gallen (Thụy Sỹ).

Với việc nhiều nước đang phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng về nguồn cung hàng hóa cơ bản, các nhà hoạch định chính sách đã nhanh chóng bỏ những thuật ngữ về thị trường mở và bắt đầu ủng hộ cách tiếp cận mang tính bảo hộ hơn. Các khuyến nghị mới bao gồm từ việc xây dựng các chuỗi cung ứng an toàn cho một số nguyên vật liệu quan trọng ở các nước thân thiện, cho đến cấm xuất khẩu và kêu gọi các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất về nước.

Trong một bài phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen, cho biết đại dịch và chiến tranh đã cho thấy các chuỗi cung ứng của Mỹ, mặc dù hiệu quả, nhưng lại không an toàn và không linh hoạt. Dù cảnh báo không nên chuyển theo xu hướng bảo hộ tuyệt đối, bà cho rằng Mỹ nên định hướng lại các mối quan hệ thương mại để hướng tới một nhóm các “đối tác đáng tin cậy”, ngay cả khi điều này sẽ làm chi phí của các doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng hơn.

Ngày càng nhiều hàng rào bảo hộ lúa mì

Các biện pháp bảo hộ, đặc biệt là đối với lúa mì, đang lan nhanh từ quốc gia này sang quốc gia khác. Trước khi chiến sự nổ ra, Nga và Ukraine xuất khẩu hơn 1/4 lượng lúa mì của thế giới, cung cấp thức ăn dưới dạng bánh mì, mì ống và thực phẩm đóng gói cho hàng tỷ người.

Ông Evenett cho biết làn sóng rào cản thương mại đối với lúa mì bắt đầu sau khi Nga và Belarus kìm hãm xuất khẩu. Sau đó, các nước nằm dọc theo tuyến đường thương mại chính đối với lúa mì Ukraine, bao gồm Moldova, Serbia và Hungary, bắt đầu hạn chế xuất khẩu lúa mì. Cuối cùng, các nhà nhập khẩu lúa mì lớn như Lebanon, Algeria và Ai Cập, cũng trở nên lo ngại và đưa ra các lệnh cấm xuất khẩu của riêng họ.

Ông Evenett cho biết động thái này có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới. Vụ lúa mì vào mùa hè của Ukraine đang bị gián đoạn do chiến tranh, khiến người nông dân phải rời bỏ công việc ruộng đồng mà ra trận. Các cửa hàng tạp hóa ở Tây Ban Nha, Hy Lạp và Anh đã bắt đầu hạn chế về số lượng ngũ cốc hoặc dầu ăn mà mọi người có thể mua. Một số lệnh cấm xuất khẩu lương thực không liên quan đến chiến sự, nhưng chúng vẫn sẽ ảnh hưởng đến động lực tăng giá trên toàn cầu.

Trung Quốc yêu cầu cho các công ty trong nước ngừng bán phân bón cho các nước khác vào mùa hè năm ngoái để bảo đảm nguồn cung trong nước. Giờ đây, Nga cũng cắt xuất khẩu phân bón, khiến lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc càng tồi tệ hơn.

Một nhà máy chế biến dầu cọ ở tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: NYT
Một nhà máy chế biến dầu cọ ở tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: NYT

Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia đối với dầu cọ, một thành phần chính của thực phẩm đóng gói, chất tẩy rửa và mỹ phẩm, phù hợp với các lệnh cấm tương tự mà nước này áp dụng trước đây, nhằm giữ giá dầu ăn ở mức phải chăng cho các hộ gia đình Indonesia.

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế đó sẽ làm giá dầu thực vật tăng vọt, do nguồn cung từ Ukraine, nhà sản xuất dầu hướng dương lớn nhất thế giới, bị gián đoạn.

Giá cả đắt đỏ sẽ kéo dài

Các chính phủ đưa ra những hạn chế xuất khẩu thường cho rằng nhiệm vụ của họ là đặt nhu cầu của người dân lên hàng đầu và các quy định của WTO cho phép các nước áp dụng hành động như vậy để bảo đảm an ninh quốc gia.

Việc giá cả đắt đỏ là vấn đề đáng chú ý đối với các nước nghèo ở Trung Đông và châu Phi cận Sahara, vốn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.

Trong một bài đăng trên blog vào tuần trước, ông Abebe Aemro Selassie, Giám đốc Bộ phận châu Phi của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhà kinh tế Peter Kovacs, đã viết rằng châu Phi cận Sahara đang phải đối mặt với cú sốc nghiêm trọng do giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm và các chính phủ chìm trong nợ nần và mức sống bị xói mòn.

Họ cho biết, 40% chi tiêu của người tiêu dùng ở châu Phi cận Sahara dành cho lương thực, trong khi khoảng 85% nguồn cung lúa mì là nhập khẩu.

Một người biểu tình cầm bánh mì trong cuộc biểu tình ở Beirut, Lebanon, vào ngày 2/3. Ảnh: Bloomberg

Một người biểu tình cầm bánh mì trong cuộc biểu tình ở Beirut, Lebanon, vào ngày 2/3. Ảnh: Bloomberg

Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi mô hình thương mại, khiến giá hàng hóa có xu hướng tăng vọt từ giờ cho đến cuối năm 2024. Nếu cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hoặc phương Tây bổ sung các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow, điều này có thể khiến giá cả tăng hơn nữa. Nhưng ngay cả khi các khả năng đó không xảy ra, các yếu tố khác, vốn đẩy giá cả tăng trong thời gian qua, sẽ khó biến mất.

Bên cạnh đó, đà tăng giá của mặt hàng này sẽ tác động đến giá cả mặt hàng khác. Chi phí năng lượng cao hơn đang làm tăng giá phân bón. Điều đó lại đẩy giá nông sản lên cao khi chi phí cho các vụ mùa trở nên đắt hơn. Giá lúa mì tăng cũng sẽ đẩy giá gạo lên vì mọi người tìm kiếm các lựa chọn thay thế.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng giá hàng hóa phi năng lượng như nông sản và kim loại, sẽ tăng gần 20% trong năm 2022, trước khi giá được điều chỉnh trong những năm tiếp theo, trong khi giá lúa mì dự kiến ​​sẽ tăng hơn 40% để đạt mức cao mới trong năm nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp