Nguồn cung khí đốt Nga qua Ukraine vẫn đang duy trì mức ổn định

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
19:14 - 19/09/2022
Lượng khí đốt xuất khẩu của Nga qua Ukraine vẫn đang duy trì ở mức ổn định trước đại dịch. Ảnh: Sputnik / Aleksei Danychev
Lượng khí đốt xuất khẩu của Nga qua Ukraine vẫn đang duy trì ở mức ổn định trước đại dịch. Ảnh: Sputnik / Aleksei Danychev
0:00 / 0:00
0:00
Tính tới 16/9, khối lượng khí đốt Nga cũng cấp cho châu Âu thông qua Ukraine vẫn đang ở mức trước chiến sự là 42,4 triệu mét khối mỗi ngày, trong khi việc giao hàng qua Nord Stream đã bị đình chỉ hoàn toàn cho tới khi thiết bị hư hỏng được sửa chữa.

Theo dữ liệu được công bố trên trang web của Nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Ukraine (GTSOU) hôm 19/9, các đề nghị quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine thông qua trạm phân phối khí Sokhranovka đã bị từ chối. Tuy nhiên, khối lượng khí đốt vận chuyển thông qua trạm Sudzha tại Ukraine vẫn đang ở mức ổn định 42,4 triệu mét khối ngang mức trước chiến dịch quân sự đặc biệt.

Trong khi đó, việc vận chuyển khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream, con đường chính để xuất khẩu sang châu Âu, đã bị đình chỉ hoàn toàn. Hãng thông tấn TASS trích dẫn tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom cho biết các lỗi rò rỉ đã được tìm thấy trong quá trình bảo trì đơn vị máy nén khí duy nhất đang hoạt động của Nord Stream. Vì vậy, tập đoàn buộc phải dừng hoàn toàn việc bơm dọc theo đường ống dẫn khí cho đến khi các sự cố này được khắc phục.

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt thắt chặt, Cơ sở Hạ tầng Khí Châu Âu (GIE) cho biết các nước Châu Âu vẫn đang cố gắng hết sức xoay sở nguồn cung và tiếp tục bơm khí vào các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm (UGSF) của mình với công suất đầy gần 85%. Trước đó, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất rằng mức lấp đầy được áp dụng cho các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU là ít nhất 80% cho mùa đông 2022-2023 và 90% cho tất cả các giai đoạn mùa đông trong tương lai.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, dù các cơ sở lưu trữ ngầm đã đạt mục tiêu, châu Âu vẫn hoàn toàn có khả năng lâm vào khủng hoảng năng lượng trên diện rộng nếu không có nguồn cung bổ sung liên tục. Theo đà tăng của giá khí đốt, người dân châu Âu đang phải gồng gánh mức hóa đơn điện tăng mạnh hơn bao giờ hết.

Trước đó hồi tháng 6, giá khí đốt trung bình ở châu lục này rơi vào khoảng 1.240 USD / 1.000 mét khối nhưng tăng lên khoảng 1.850 USD vào tháng 7 và cuối cùng lên tới 2.515 USD vào tháng 8. Đã có những thời điểm giá khí đốt vượt lên mức cao kỷ lục 3.541 USD trước khi sụt xuống khoảng 2.260 USD/ 1.000 mét khối kể từ đầu tháng 9.

Giải thích cho sự sụt giảm trong dòng chảy khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, Nga khẳng định các lệnh cấm vận chính là lý do khiến việc bảo trì các turbine khí gặp trục trặc. Lý do này cũng là lý do chính vì sao Nga phải thường xuyên dừng cung cấp khí đốt để thực hiện các bảo trì kỹ thuật.

Tuy nhiên phản ứng lại với các động thái này từ phía Nga, Liên minh châu Âu gọi việc Nga dừng cấp khí đốt là một động thái đe dọa khối này và là một bằng chứng cho việc Nga “vũ khí hóa năng lượng” để đáp trả các lệnh trừng phạt.

Tuy lượng khí đốt xuất khẩu giảm, giá khí đốt tăng cao vẫn giúp Nga được hưởng lợi lớn. Ảnh: AP

Tuy lượng khí đốt xuất khẩu giảm, giá khí đốt tăng cao vẫn giúp Nga được hưởng lợi lớn. Ảnh: AP

Ở một diễn biến khác, giá năng lượng tăng chóng mặt đã giúp tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga nhận được mức lợi nhuận cao bất chấp các cấm vận lên ngành năng lượng nước này. Theo RT trích dẫn Oliver Hortay, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách năng lượng và khí hậu tại một tổ chức tư vấn Hungary, Gazprom đã tăng gấp đôi doanh thu xuất khẩu mặc dù nguồn cung sang EU giảm mạnh.

Cụ thể theo ông, Gazprom đang cung cấp ít hơn 43% lượng khí đốt cho châu Âu trong năm nay so với năm ngoái nhưng mức giá trung bình lại tăng gấp 3 lần. Doanh thu xuất khẩu khí đốt sang châu Âu của công ty do đó cũng sẽ tăng từ 53 tỷ USD lên 100 tỷ USD.

Ý kiến này của ông Oliver cũng tương đồng với một nhận định gần đây của tờ Financial Times khi cho rằng giá khí đốt cao hơn đã giúp Gazprom cân bằng lại việc giảm lượng khí đốt cung cấp sang EU. Theo bài báo, tập đoàn năng lượng hiện cung cấp khoảng 84 triệu mét khối khí đốt cho các khách hàng châu Âu thông qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày so với mức trung bình của năm ngoái là 480 triệu mét khối.

Thêm vào đó theo nhà phân tích Ron Smith của BCS Global Markets, nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 giảm dự kiến sẽ “đẩy giá năm nay lên mức trung bình gấp 3 lần so với năm 2021”. Tổng doanh thu của Gazprom vì vậy sẽ tăng 85% lên mức 100 tỷ USD.

Vào cuối tháng 8, tập đoàn năng lượng Nga cũng từng tiết lộ đã kiếm được 41,75 tỷ USD lợi nhuận ròng chỉ trong nửa đầu năm 2022 so với 29 tỷ USD cho cả năm 2021.

Đọc tiếp