Nhiều triển vọng để Việt Nam lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông sản

Nông Sản XUẤT KHẨU
15:46 - 02/08/2023
Họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ NN&PTNT. Ảnh: Phương Thảo.
Họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ NN&PTNT. Ảnh: Phương Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp báo Bộ NN&PTNT ngày 1/8, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, dù thị trường khó khăn nhưng xuất khẩu nông sản vẫn có những điểm sáng nhất định, củng cố quyết tâm giữ vững mục tiêu 54-55 tỷ USD trong năm nay.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi ở ngành xuất khẩu gạo. Kế hoạch gieo cấy năm 2023 là 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn tăng 1,8 - 2% so với năm 2022. “Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là cơ hội cho gạo Việt Nam, trong khi gạo Việt có chất lượng cao, giá trị cao, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, lúc khó khăn hoạn nạn có cộng đồng doanh nghiệp nên lúc này phải có sự chia sẻ nhất định mới đảm bảo sự phát triển bền vững. Giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan, Ấn Độ đang là thuận lợi lớn cho Việt Nam thực hiện mục tiêu xuất khẩu gạo thu về 4,1 tỷ USD.

Ảnh: Phương Thảo

Ảnh: Phương Thảo

"Đây là vừa là tình thế thời cơ, vừa chớp cơ hội nhưng cũng có sự chia sẻ. Trong bao năm qua, Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực trong nước, khu vực và thế giới. Chúng ta cần vừa đảm bảo sự tăng trưởng, vừa đảm bảo chia sẻ với cộng đồng, chia sẻ với khu vực và thế giới”.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Về cơ sở chớp cơ hội thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, giống lúa Việt Nam đạt 85%, gạo đạt 89% chất lượng cao, các vụ lúa gạo chỉ canh tác trong 3 tháng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ có những kế hoạch giám sát, quy hoạch và sử dụng chế phẩm sinh học bảo đảm thắng lợi mùa vụ cũng như mở rộng một phần diện tích. Đây là cơ sở thực tiễn và khoa học để khẳng định có một vùng canh tác thắng lợi đảm bảo cung cấp lương thực trong nước, dự trữ, làm giống và chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh nỗ lực của Bộ NN&PTNT cũng cần sự phối hợp của các bên liên quan. “Xuất khẩu gạo, ngoài khâu sản xuất của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT các địa phương còn có Bộ Công Thương và các ban/ngành liên quan. Trong đó có sự phân định giải pháp và trách nhiệm của các bên. Do đó, cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội vàng xuất khẩu gạo năm 2023”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Nhiều triển vọng cho ngành thủy sản và gỗ phục hồi

Bên cạnh mặt hàng gạo, thủy sản và lâm nghiệp cũng là 2 ngành chủ lực của Việt Nam. Thông tin về tình hình, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, với tốc độ giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; xuất khẩu lâm nghiệp đạt 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%.

Trước sức ép của thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã có những nhận định rất trúng và đúng, kịp thời tháo gỡ thông qua việc tổ chức làm việc với 2 hiệp hội là VASEP và VIFORES.

Qua đó, Thủ tướng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về vốn và dư lợi tín dụng. Gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng đang được triển khai là cơ sở giúp 2 ngành giảm bớt sức ép trong sản xuất.

Về tín hiệu thị trường đối với ngành thủy sản, Thứ trưởng NN&PTNT thông tin, ngành đã có tín hiệu tích cực ở cả cá tra và tôm. Ví dụ như cá tra xuất khẩu vào Mỹ đạt trên 50% sản lượng, tuy nhiên, Mỹ đang ép giá. Hiện nay, hàng tồn kho thủy sản trên thế giới đã giảm nên Việt Nam cần phải tăng cường dự trữ để khi thời cơ đến có thể chủ động nắm bắt.

Ngành gỗ dự trữ chờ ngày bứt phá.

Ngành gỗ dự trữ chờ ngày bứt phá.

“Về gỗ và lâm sản, Chủ tịch Viforest khẳng định với Thủ tướng Chính phủ năm nay hết sức cố gắng để đạt được mục tiêu 17 tỷ USD xuất khẩu. Nếu có nguồn hàng dự trữ khi nhu cầu thế giới trở lại, ngành này sẽ có thể bứt phá. Bài học thời kỳ Covid-19 cho thấy, Việt Nam phải dự trữ thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, khi tháo gỡ được rào cản dịch bệnh, chúng ta đã về đích rất ngoạn mục”, Thứ trưởng nhận định.

Bao quát các lĩnh vực xuất khẩu của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, đến giờ này, ngành nông nghiệp chưa phải bàn đến vấn đề điều chỉnh mục tiêu. Phải nhìn nhận thị trường có nhiều khó khăn, tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, ngành nông nghiệp vẫn có những điểm sáng như xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm tăng mạnh tới 68% đạt 3,21 tỷ USD, cà phê và lúa gạo cũng đều ghi nhận những mức tăng tích cực.

“Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ/ngành, các địa phương đảm bảo cơ cấu ngành hàng, cơ cấu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để giữ vững mục tiêu về đích 54 - 55 tỷ, xác lập kỷ lục mới trong năm 2023”, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp