Phần Lan chính thức gia nhập khối quân sự NATO

Quân sự Phần Lan
14:18 - 04/04/2023
Một cột cờ trống cùng 30 lá cờ của các thành viên NATO trước trụ sở liên minh này tại Brussel ngày 3/4. Ảnh: AP
Một cột cờ trống cùng 30 lá cờ của các thành viên NATO trước trụ sở liên minh này tại Brussel ngày 3/4. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 4/4, Phần Lan trở thành một phần của liên minh quân sự lớn nhất thế giới NATO, đánh dấu một sự thay đổi lịch sử trong chính sách an ninh của nước này trong khi nước láng giềng Thụy Điển vẫn đang trong quá trình chờ xét duyệt.

Theo hãng tin Reuters, NATO chào đón Phần Lan với tư cách thành viên thứ 31 trong một buổi lễ chào cờ tại trụ sở liên minh này ở ngoại ô Brussels chiều ngày 4/4 với sự tham dự của Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cùng các nhà lãnh đạo khác của quốc gia này. Cờ của Phần Lan sau đó sẽ được kéo lên bên ngoài trụ sở NATO cùng với cờ của 30 quốc gia thành viên khác của liên minh trước một cuộc họp của các ngoại trưởng NATO.

Sau khi đơn xin gia nhập của Phần Lan được chấp thuận bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vào tuần trước, bước chính thức cuối cùng trong hành trình của Helsinki sẽ đến khi Ngoại trưởng Pekka Haavisto trao văn kiện gia nhập của quốc gia mình cho các quan chức chính phủ Mỹ tại Brussels.

Hiện các chuyến bay do thám của NATO do Mỹ và các lực lượng không quân đồng minh khác thực hiện đã bắt đầu diễn ra trên không phận Phần Lan, theo lực lượng quốc phòng nước này.

Trả lời các phóng viên một ngày trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định: "Đây sẽ là một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh Bắc Âu và cho toàn bộ NATO".

Đây là một cột mốc lịch sử đối với Phần Lan do nó đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên không liên kết quân sự kể từ Thế chiến 2. Sự thay đổi này được thúc đẩy do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine khiến Phần Lan chủ động tìm kiếm sự bảo hộ từ NATO. Theo chính phủ nước này, quyết định trên là để chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Moscow.

Tuy nhiên với việc gia nhập NATO, biên giới mà liên minh quân sự này chia sẻ với Nga sẽ gia tăng gấp đôi. Phản ứng lại tin tức này, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA trích dẫn Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko cho biết Moscow sẽ tăng cường năng lực quân sự ở các khu vực phía Tây và Tây Bắc nước này.

Cụ thể, ông cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng cường tiềm lực quân sự của mình ở hướng tây và tây bắc. Trong trường hợp lực lượng và nguồn lực của các thành viên NATO khác được triển khai ở Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự của Nga”.

Trước đó vào năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng tuyên bố Nga đang thực hiện "các biện pháp đối phó thích hợp" và sẽ thành lập 12 đơn vị và sư đoàn ở quân khu phía tây.

Ở một diễn biến khác, quyết định gia nhập NATO không chỉ mang tính lịch sử với Phần Lan mà còn với cả Thụy Điển do nước này đã từ bỏ trạng thái trung lập của mình. Tuy Phần Lan và Thụy Điển đã từng mong muốn cùng nhau gia nhập NATO để tối đa hóa an ninh chung, kế hoạch này đã không diễn ra đúng dự định.

Nguyên nhân là do hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang từ chối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển với lý do Stockholm chứa chấp lực lượng mà Ankara coi là các nhóm khủng bố. Ankara đã đưa ra yêu cầu dẫn độ nhóm người này như một bước để có thể tiến tới phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng đang trì hoãn việc Thụy Điển gia nhập với lý do bất bình trước những lời chỉ trích của nước này về Thủ tướng Viktor Orban.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao NATO kỳ vọng Budapest sẽ chấp thuận Stockholm nếu Ankara có động thái tương tự. Trước mắt, NATO kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện động thái sau cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào tháng 5 tới.

Nhận định về điều này, ông Stoltenberg cho biết mình "hoàn toàn tin tưởng" rằng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên NATO. Theo ông, ưu tiên của liên minh quân sự hiện tại là đảm bảo điều này xảy ra càng sớm càng tốt.

Tin liên quan

Đọc tiếp