PwC: 60% người lao động Việt tự tin cải thiện năng suất nhờ AI

LAO ĐỘNG AI.
18:52 - 06/07/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo khảo sát “Lực lượng lao động toàn cầu 2023” của PwC, lực lượng lao động gen Z của Việt Nam nhận ra cần thay đổi kỹ năng để thích nghi với những biến động tương lai, trong đó họ tự tin về khả năng cải thiện năng suất nhờ AI.

PwC mới thực hiện cuộc khảo sát từ 19.500 người lao động tại Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có 1.000 phản hồi tại Việt Nam cho thấy, người lao động Việt đang có suy nghĩ tích cực về công việc.

Cụ thể, 54% người được hỏi tin rằng tổ chức nơi họ đang làm việc sẽ tiếp tục hoạt động trong hơn 10 năm nữa, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực là 51%. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở thế hệ Gen Z chỉ chiếm 47%. Điều này cho thấy thế hệ nhân viên trẻ nhận ra, các nhu cầu cần thay đổi trong doanh nghiệp để thích nghi trong tương lai.

Ông Mai Viết Hùng Trân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam nhìn nhận, sự thay đổi diễn ra liên tục trong thực tại đầy những biến động ngày nay. Tín hiệu đáng mừng là các nhà lãnh đạo và người lao động Việt Nam đã bắt đầu bước vào hành trình chuyển đổi để thích nghi. Dù sự chuyển đổi tại các doanh nghiệp là khác nhau, con người vẫn là cốt lõi của sự thay đổi.

Kỹ năng về con người được đánh giá quan trọng nhất

Một trong những yếu tố cần thay đổi được người lao động cho rằng cần thiết nhất là kỹ năng. Theo PwC, trong môi trường luôn có sự biến động, các kỹ năng của người lao động sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai.

Qua khảo sát, 61% người lao động Việt Nam tin rằng, các kỹ năng cho công việc của họ sẽ thay đổi đáng kể trong 5 năm tới.

Kết quả khảo sát của PwC cũng chỉ ra, người lao động nhận thấy các kỹ năng về con người quan trọng hơn các kỹ năng chuyên môn hoặc kinh doanh, bao gồm khả năng thích ứng/linh hoạt chiếm 70%, kỹ năng hợp tác 70%, tư duy phản biện 68% và kỹ năng phân tích/dữ liệu 66%.

Đặc biệt, người lao động tại Việt Nam rất tích cực về những cơ hội và lợi ích mà trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mang lại cho sự nghiệp của họ.

Cụ thể, 60% người lao động Việt được hỏi cho rằng, AI sẽ giúp họ gia tăng năng suất/hiệu quả trong công việc và 58% xem đó là cơ hội để học các kỹ năng mới. Tỷ lệ này cao hơn khu vực Châu Á Thái Bình Dương lần lượt là 41% và 34%.

Các ngành công nghệ, truyền thông, viễn thông và dịch vụ tài chính nhận thấy, họ có tiềm năng lớn nhất để cải thiện năng suất thông qua AI. Mặt khác, người lao động trong lĩnh vực y tế, Chính phủ và khu vực công khẳng định rằng AI sẽ không thể thay thế được vai trò của họ.

Bên cạnh đó, khảo sát của PwC cũng đề cập tới yêu cầu cần thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Tại Việt Nam, chỉ 32% người lao động được hỏi đồng ý rằng người quản lý của họ thường thông cảm và không quá gắt gao đối với những sai sót không trọng yếu, đồng thời, cũng có 32% cho rằng họ được cấp trên khuyến khích thể hiện quan điểm và tranh luận.

Ngoài ra, việc đưa ra nhận xét/phản hồi là yếu tố cần thiết cho chuyển đổi văn hóa. Điều này khá phổ biến ở Việt Nam so với mức trung bình ở Châu Á Thái Bình Dương.

Mức độ tự tin của người lao động tăng lên

Theo PwC, mức độ hài lòng hoặc tương đối hài lòng với công việc của lao động Việt Nam ở mức trung bình, chiếm 59%, cao hơn tỷ lệ chung của khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 57%.

Điểm thú vị là tỷ lệ này của Việt Nam cao hơn các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) (từ 29% - 45%) và thấp hơn so với Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ (từ 70% - 79%).

Thông qua khảo sát, 34% người lao động Việt Nam được hỏi cho biết muốn thăng chức và 20% muốn thay đổi nơi làm việc. Tỷ lệ này ít hơn một chút so với mặt bằng chung của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

“Những con số này đã tăng 7 - 10% so với kết quả khảo sát năm trước, cho thấy mức độ tự tin tăng lên của người lao động đối với yêu cầu lương thưởng hoặc cơ hội nghề nghiệp”, báo cáo PwC nhận định.

Trong đó, lao động thế hệ trẻ, nhân viên cấp cao, những người làm việc trong các doanh nghiệp lớn có xu hướng yêu cầu tăng lương, tìm kiếm cơ hội thăng tiến hoặc xem xét thay đổi nơi làm việc nhiều hơn, do muốn tìm kiếm kinh nghiệm, kỹ năng mới hoặc tìm kiếm cơ hội để đóng góp nhiều hơn.

Ngoài ra, người lao động Việt Nam cũng thể hiện ý thức mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bên sử dụng lao động thực hiện các hành động vì khí hậu. 55% người lao động tham gia khảo sát cho rằng, doanh nghiệp cần có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cao hơn tỷ lệ 41% của Châu Á Thái Bình Dương.

Tin liên quan

Đọc tiếp