Sau 4 năm, diện tích cấy lúa bằng máy ở Hải Dương tăng vọt

NÔNG NGHIỆP Hải Dương
17:39 - 08/12/2023
Sau 4 năm, diện tích cấy lúa bằng máy ở Hải Dương tăng vọt
0:00 / 0:00
0:00
Qua 4 năm triển khai, diện tích lúa cấy bằng máy tại Hải Dương đã tăng từ 3.570 ha (năm 2019) lên 13.954 ha (năm 2023). Phương thức gieo cấy được chuyển dịch theo hướng tăng diện tích mạ non, cấy máy giúp tăng năng suất.
Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Đây là thông tin tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện đề án “Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020 - 2025” và triển khai một số Kế hoạch năm 2024 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 7/12 tại thành phố Hải Dương.

Ông Nguyễn Tiến Tráng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Tiến Tráng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Nguyễn Tiến Tráng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, qua 4 năm triển khai, Hải Dương đã hỗ trợ hơn 9,1 tỷ đồng mua khay, giá thể, hỗ trợ cho thuê mặt bằng cho các cơ sở tham gia; tổ chức 356 lớp tập huấn cho 17.781 lượt người; hỗ trợ 355 mô hình trình diễn cấy máy với diện tích 1.332,5 ha...

Diện tích lúa cấy bằng máy đã tăng từ 3.570 ha, chiếm 3,11% (năm 2019) lên 13.954 ha,chiếm 12,87% (năm 2023).

Cơ cấu trà lúa tiếp tục có sự chuyển dịch, giảm trà xuân sớm, tăng trà xuân muộn, giúp tránh giảm thiểu được thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất; phương thức gieo cấy được chuyển dịch theo hướng tăng diện tích mạ non, cấy máy giúp tăng năng suất; cơ cấu giống có sự chuyển dịch theo hướng tăng lúa chất lượng, giảm lúa lai và lúa thường, giúp tăng hiệu quả sản xuất…

Tuy nhiên, do chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong việc thực hiện đề án dẫn đến không triển khai được mô hình. Một số địa phương do chưa có hoặc có ít cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy nên chưa đáp ứng được nhu cầu; diện tích cấy lúa của các hộ ở một số địa phương còn manh mún…

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, theo kế hoạch, vụ đông xuân năm 2023 - 2024, Hải Dương dự kiến gieo trồng 63.600 ha. Trong đó, 53.600 ha trồng lúa và 10.000 ha rau màu.

Dự báo vụ đông xuân năm 2023 - 2024 sẽ có nền nhiệt cao hơn trung bình mọi năm, nguồn nước trên các sông giảm gây khó khăn cho sản xuất. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn và các địa phương trong tỉnh cần chủ động lấy nước làm đất và tưới dưỡng, chọn giống có năng suất, chất lượng cao, chống chịu dịch bệnh, sản xuất vùng tập trung...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương khuyến cáo hạn chế thấp nhất gieo cấy trà xuân sớm, tăng tối đa trà xuân muộn. Trà xuân sớm chiếm dưới 6,5% diện tích, gieo mạ dược từ ngày 16-20/12/2023, cấy từ ngày 1-10/1/2024. Trà xuân muộn có trên 93,5% diện tích, sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và không gieo mạ trà xuân muộn qua đông trước ngày 31/1/2024.

Đối với cây rau màu vụ xuân, chủ lực là rau với diện tích khoảng 7.000 ha, ngô khoảng 1.000 ha và các cây khác 1.200 ha. Khuyến khích nông dân tích cực đưa giống mới, tiến bộ kỹ thuật thâm canh mới vào sản xuất, trồng rải vụ, mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới...

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ xây dựng và chỉ đạo thực hiện các mô hình sản xuất an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt GAP, gắn sản xuất với tiêu thụ qua hợp đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã và cơ sở thực hiện tốt chế độ báo cáo tình hình sản xuất, tiến độ sản xuất về Sở để phục vụ công tác phối hợp chỉ đạo điều hành sản xuất và báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Tin liên quan

Đọc tiếp