Hải Dương hướng tới sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn

NÔNG NGHIỆP Hải Dương
07:19 - 08/11/2023
Hải Dương hướng tới sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 7/11, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương để nghe báo cáo tình hình, kết quả hoạt động năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh cả năm 108.325 ha, vượt 0,8% kế hoạch. Năng suất lúa bình quân cả năm 63,48 tạ/ha, cao hơn 0,26 tạ/ha so với năm 2022. Sản lượng lúa toàn tỉnh đạt 687.700 tấn, vượt 3,6% kế hoạch, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh mà còn cung ứng ra ngoài tỉnh.

Giá trị sản xuất cây vụ đông đạt 223,5 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc. Hiện toàn tỉnh có 21.500 ha cây ăn quả, sản lượng đạt khoảng 285.000 tấn. Trong đó gần 50% sản lượng được tiêu thụ trong nước, trên 50% xuất khẩu.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Về chăn nuôi, tổng đàn lợn ước đạt 440.000 con; đàn gia cầm ước đạt 16,7 triệu con; đàn trâu, bò ước đạt trên 19.800 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt trên 138.440 tấn. Tỷ trọng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại đối với chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 55%, chăn nuôi lợn chiếm khoảng 45%.

Ngoài ra, trên địa bàn Hải Dương có 732 trang trại chăn nuôi, trong đó có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước đạt 12.082 ha; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 106.000 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Đến nay, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến đến hết năm 2023 có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện Hải Dương có 234 sản phẩm đạt OCOP (2 sản phẩm đạt 5 sao, 94 sản phẩm đạt 4 sao còn lại đạt 3 sao); 200 cơ sở sản xuất, chế biến áp dụng tem truy xuất nguồn gốc...

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân nêu đề xuất thành lập cụm công nghiệp chuyên về chế biến nông sản và có cơ chế ưu tiên, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp có cam kết cụ thể về chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.

Cùng với đó, lãnh đạo một số sở, ngành đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã nông nghiệp, tăng cường hỗ trợ nông dân để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng; đề nghị tỉnh quan tâm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến.

Đồng thời đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm phối hợp trong xây dựng sản phẩm OCOP du lịch; trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại các lễ hội; xây dựng các mô hình du lịch ở nông thôn…

Đến nay Hải Dương có 234 sản phẩm đạt OCOP.

Đến nay Hải Dương có 234 sản phẩm đạt OCOP.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đánh giá cao những thành tựu của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Những năm vừa qua tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp khá cao dù trong bối cảnh hàng năm diện tích sản xuất nông nghiệp giảm dần.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phát triển công nghiệp, dịch vụ song hành với ngành nông nghiệp, coi nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, là bệ đỡ của nền kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu trong thời gian tới ngành nông nghiệp cần tập trung để khai thác tối đa dư địa trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chế biến... nhằm đạt đến mục tiêu nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn.

Hiện giá trị sản xuất cây vụ đông của tỉnh Hải Dương đạt 223,5 triệu đồng/ha.

Hiện giá trị sản xuất cây vụ đông của tỉnh Hải Dương đạt 223,5 triệu đồng/ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chủ động báo cáo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc phối hợp giữa các sở, ngành để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ nhanh hơn những vấn đề khó khăn như tích tụ ruộng đất, nâng cao hệ số quay vòng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, đặc biệt là chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các sở, ngành, địa phương trên tinh thần phân công rõ người, rõ việc trong công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp, đề án OCOP gắn với các lễ hội nhằm nâng cao giá trị của các mặt hàng; tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm các công trình thủy lợi…

Tin liên quan

Đọc tiếp