Sẽ hiển thị tên cơ quan chức năng khi gọi điện đến người dân

viễn thông Việt nAM
11:40 - 07/09/2023
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan công quyền như toà án, công an và cả các doanh nghiệp phải sử dụng brandname (tên định danh thương hiệu) khi liên hệ với người dùng di động.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long chia sẻ tại cuộc họp báo tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 6/9.

Thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến diễn biến phức tạp trên không gian mạng Việt Nam. Ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Trong tổng số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến được Cục An toàn thông tin nêu tên, việc giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để thực hiện cuộc gọi lừa đảo cũng diễn ra rất phổ biến. Nạn nhân của các hình thức lừa đảo này thường là nhóm đối tượng yếu thế như người cao tuổi, trẻ em...

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác yêu cầu doanh nghiệp gọi quảng cáo phải đăng ký brandname.

Bên cạnh đó, với tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo dựa vào cơ quan công quyền, công an, giao thông, toà án, viện kiểm soát… Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trao đổi các cơ quan này để thí điểm định danh các cuộc gọi của các cơ quan này đến công dân phải có định danh. Điều này nhằm giúp người dùng di động yên tâm, tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.

"Các cơ quan nhà nước khi gọi đến công dân đều phải có định danh, cuộc gọi phải hiện tên đích danh cơ quan. Khi đó, bất cứ số máy lạ không hiển thị brandname gọi đến xưng danh đại diện cơ quan công quyền đều là lừa đảo"

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Cùng với việc định danh cuộc gọi của cơ quan công quyền, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng sổ tay trực tuyến nhằm cung cấp kiến thức cho người dân về các kinh nghiệm phòng chống lừa đảo trực tuyến.

SIM chính chủ cũng phát tán cuộc gọi, tin nhắn rác

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, SIM rác thường sẽ tạo ra tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Tuy vậy cuộc gọi rác, tin nhắn rác cũng có thể được tạo ra từ SIM chính chủ. Nguyên nhân của thực trạng này một phần bởi hoạt động tiếp thị từ xa qua điện thoại (telesale).

Để ngăn chặn các thuê bao không chính chủ, thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai các biện pháp eKYC (xác thực điện tử), video call (xác thực qua video) nhằm bảo đảm thuê bao phát triển mới phải đúng là có thực. Các thuê bao này phải trùng khớp giữa thông tin của người đến đăng ký với thông tin trên giấy tờ, từ đó hạn chế tối đa tình trạng thông tin thuê bao không chính xác.

Các doanh nghiệp viễn thông đã tiến hành loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết trong thực tế, tin nhắn rác, cuộc gọi rác có thể bị phát tán từ cả các thuê bao chính chủ và các thuê bao không chính chủ.

Để ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác, Cục Viễn thông khuyến nghị, các cơ quan, tổ chức như trường học, ngân hàng, bệnh viện cần chủ động phổ biến các số điện thoại và kênh liên lạc chính thống đến người sử dụng. Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cần có các biện pháp xử lý, ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị cung ứng dịch vụ, sản phẩm khi thực hiện quảng cáo qua các kênh không được phép.

Đồng thời, người dùng cá nhân phải nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng SIM chính chủ. Điều này đặt trong bối cảnh SIM điện thoại hiện đã gắn với rất nhiều hoạt động hàng ngày như tài khoản VNeID hay các dịch vụ thanh toán số.

Hơn nữa, người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe và thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ, không có trong danh bạ. Người dùng cũng có thể chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc hoặc cảnh báo cuộc gọi rác hay cuộc gọi lạ do nhà mạng cung cấp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.