Tập đoàn xe tăng Đức sắp mở nhà máy sản xuất tại Ukraine

Xe tăng Đức
11:07 - 11/07/2023
Các kỹ thuật viên lắp ráp xe tăng chiến đấu Leopard 2A4 tại một cơ sở của Rheinmetall ở Unterluess, bang Lower Saxony, Đức, tháng 6/2023. Ảnh: AFP
Các kỹ thuật viên lắp ráp xe tăng chiến đấu Leopard 2A4 tại một cơ sở của Rheinmetall ở Unterluess, bang Lower Saxony, Đức, tháng 6/2023. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn xuất vũ khí lớn nhất của Đức Rheinmetall thông báo sẽ mở một nhà máy sản xuất xe tăng tại Ukraine trong vòng 12 tuần tới, dự kiến có công suất khoảng 400 xe tăng/năm, bất chấp cảnh báo tấn công của phía Nga. 

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Armin Papperger, Giám đốc điều hành Rheinmetall, cho biết tập đoàn sẽ sản xuất xe tăng, xe bọc thép tại nhà máy ở Ukraine, đồng thời đào tạo nhân viên Ukraine bảo trì và sửa chữa các khí tài này.

“Người Ukraine phải tự giúp chính mình. Nếu không, họ sẽ phải chờ đợi người châu Âu hay người Mỹ giúp đỡ từ 10 – 20 năm tới. Điều đó là không thể”, ông nói.

Nhà máy xe tăng dự kiến sẽ được đặt tại phía tây Ukraine và được điều hành bởi Rheinmetall và Ukroboronprom – tập đoàn quốc phòng thuộc sở hữu của nhà nước Ukraine.

Rheinmetall lần đầu tiên công bố kế hoạch phát triển một cơ sở sản xuất xe tăng vào tháng 3 năm nay. Vào thời điểm đó, tập đoàn này tuyên bố rằng nhà máy sẽ tiêu tốn khoảng 200 triệu Euro (218 triệu USD) để xây dựng và có khả năng sản xuất 200 chiếc xe tăng Panther loại mới nhất mỗi năm.

Tập đoàn xe tăng Đức sắp mở nhà máy sản xuất tại Ukraine ảnh 1

Ông Armin Papperger, Giám đốc điều hành Rheinmetall, đứng trước những chiếc xe chiến đấu bộ binh Marder đã được tân trang trong chuyến tham quan cơ sở sản xuất tại Unterluess, bang Lower Saxony, tháng 7/2022. Ảnh: Getty Images

Ông Papperger cho biết, nhà máy tại Ukraine sẽ được cấp phép chế tạo và sửa chữa xe bọc thép chở quân Fuchs. Các nhân viên nhà máy cũng được đào tạo để chế tạo và sửa chữa các khí tài khác của Rheinmetall như xe chiến đấu bộ binh Marder, xe tăng Leopard 2 và hệ thống pháo Panzerhaubitze 2000.

Phản ứng với thông tin trên, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ cơ sở nào của tập đoàn Rheinmetall đặt tại Ukraine đều sẽ bị nhắm làm mục tiêu tấn công.

“Nếu các công ty Đức vẫn tiếp tục thực hiện điều đó thì họ rất được hoan nghênh. Họ sẽ được chào đón bằng 'pháo hoa' Kalibrs và các loại 'pháo hoa' khác của Nga”, ông Medvedev nhấn mạnh.

Quân đội Nga thường có các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình nhắm vào các mục tiêu quân sự ở miền Tây Ukraine, đồng thời cảnh báo coi tất cả các kho dự trữ vũ khí và phương tiện nước ngoài là mục tiêu hợp pháp.

Trong khi đó, ông Papperger tuyên bố rằng nhà máy của tập đoàn này tại Ukraine sẽ được bảo vệ. “Có rất nhiều nhà máy đang sản xuất hàng hóa quân sự tại Ukraine. Nhà máy của chúng tôi là một cơ sở khác trong số này và chúng tôi có thể bảo vệ nó", ông Papperger nói.

Theo vị CEO này, việc tìm kiếm nguồn cung đạn dược đang là ưu tiên lớn hơn so với việc chế tạo thêm xe tăng. Ông cho biết Rheinmetall sẽ tăng cường sản xuất đạn pháo từ 100.000 lên 600.000 viên/năm vào năm 2024 và phần lớn sản lượng sẽ được chuyển giao cho Ukraine.

"Về lý thuyết, Rheinmetall có thể cung cấp 60% lượng đạn pháo mà Ukraine cần", ông Papperger tuyên bố.

Theo tờ Die Welt của Đức, cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến doanh thu của tập đoàn Rheinmetall tăng lên mức kỷ lục là 6,4 tỷ Euro (hơn 7 tỷ USD), tăng 27% so với năm 2021. Cùng với kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất ở Ukraine, Rheinmetall dự kiến sẽ mở rộng nhà máy tại bang Lower Saxony và thuê thêm hàng trăm công nhân để xử lý các đơn hàng tồn động trị giá khoảng 28,2 tỷ Euro (hơn 31 tỷ USD).

Tin liên quan

Đọc tiếp