Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại Nghệ An

CHÍNH SÁCH dân tộc
22:38 - 28/10/2023
0:00 / 0:00
0:00
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi diện mạo, cuộc sống của đồng bào ở Nghệ An khởi sắc. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả cần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, những năm qua, việc thực hiện các chính sách dân tộc đang từng bước phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tại buổi làm việc với Đoàn Thanh tra Ủy ban Dân tộc do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông làm Trưởng đoàn trong tháng 10/2023, về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Nghệ An, ông Sơn cho biết, các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Cổng TTĐT Nghệ An
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Cổng TTĐT Nghệ An

Công tác chính sách xã hội được quan tâm, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên; hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi càng được tăng cường, củng cố xây dựng vững mạnh; nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đoàn kết, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đảm bảo.

Tại Nghệ An, Chương trình được thực hiện trên địa bàn 12 huyện, thị xã, gồm 131 xã (76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I). Chương trình được triển khai với quy mô 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư, có 08 Sở, ngành và 12 huyện, thị xã được giao chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 04 chính sách dân tộc do Ủy ban Dân tộc chủ trì, quản lý và chỉ đạo. Tổng kế hoạch nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 giao các đơn vị, địa phương thực hiện là 2.649.811 triệu đồng. Hội đồng nhân dân tỉnh đã phân bổ dự toán vốn chi tiết đến danh mục dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần là 2.649.811 triệu đồng (Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 12/10/2022 và số 41/NQ-HĐND ngày 11/9/2023), đạt 100% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng bào dân tộc tại Nghệ An nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Báo Nghệ An
Đồng bào dân tộc tại Nghệ An nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Báo Nghệ An

Tổng dự toán nguồn vốn năm 2022 giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện là 794 tỷ 972 triệu đồng: vốn đầu tư phát triển 492 tỷ 540 triệu đồng; vốn sự nghiệp 302 tỷ 432 triệu đồng. Tổng dự toán nguồn vốn năm 2023 giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện là 1.473.139 triệu đồng: vốn đầu tư phát triển 632 tỷ 118 triệu đồng; vốn sự nghiệp 841 tỷ 021 triệu đồng.

Về thực hiện Chương trình 1719 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, đến ngày 31/5/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An đã giải ngân nguồn vốn cho 2.122 khách hàng, với số tiền trên 105.567 triệu đồng, hoàn thành 75% kế hoạch.

Về triển khai thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án định canh, định cư cơ bản được thực hiện có hiệu quả, được cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao; góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập và từng bước ổn định đời sống, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Về thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2020 đến năm 2022, UBND tỉnh đã lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện.

Vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh với những kết quả đạt được, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, chương trình đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Một số tiểu dự án mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể nhưng vẫn chưa được thực hiện kịp thời.

Trước đó, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia vào tháng 8/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, việc thực hiện quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 còn gặp nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Đây là các danh mục công trình quan trọng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, khi triển khai sẽ được lập các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; tổng mức đầu tư phụ thuộc vào quy mô của từng công trình (đối với loại hình công trình cấp nước, công trình chợ), cấp công trình (đường giao thông đến trung tâm xã) và điều kiện cụ thể tại nơi xây dựng các công trình. Do đó, có thể xảy ra trường hợp nhiều dự án có suất đầu tư/công trình/km đường giao thông lớn hơn quy định tại quyết định này.

Mặt khác, quyết định trên ban hành và có hiệu lực sau thời điểm tỉnh Nghệ An và nhiều địa phương khác trong cả nước đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2022, năm 2023 chi tiết cho các dự án (trong đó có các dự án thuộc danh mục quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg).

Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy Ban Dân tộc cũng chưa hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Uỷ Ban Dân tộc chưa ban hành bài giảng khung của các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức dân tộc nên địa phương khó triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Tiểu dự án 4 thuộc Dự án 5.

Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định đối tượng được hưởng chính sách giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng là “Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo; cộng đồng dân cư thôn thuộc các xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An nêu, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo; cộng đồng dân cư sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực I không được hưởng chính sách, hỗ trợ nêu trên.

Ngoài ra, Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT ngày 28/7/2022 của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chưa quy định cụ thể một số nội dung về cách thức triển khai và mức chi như: thiết lập địa chỉ an toàn; hỗ trợ xây dựng mô hình công nghệ 4.0; thành lập đoàn giám sát... Do đó, địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.