Thỏa thuận lịch sử tại thượng đỉnh G20

G20 THUẾ
22:31 - 31/10/2021
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới hôm nay đã thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu với các công ty đa quốc gia, tại hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra tại Rome, Italy.

Sau ngày họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm 30/10, các lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận lịch sử về áp mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%.

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome. Ảnh: New York Times
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome. Ảnh: New York Times

“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận lịch sử về một hệ thống thuế quốc tế công bằng hơn và hiệu quả hơn”, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết tại phiên khai mạc hội nghị G20. Các lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ triển khai thỏa thuận này vào năm 2023.

Thỏa thuận được G20 thông qua gồm 2 phần: Đầu tiên, nhất trí áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15% lên doanh thu của các công ty lớn và sẽ tăng thêm doanh thu thuế cho phần lớn các nước tham gia. Tiếp theo, thỏa thuận sẽ giúp đưa doanh thu thuế về nơi các công ty hoạt động kinh doanh (bán hàng, cung cấp dịch vụ), thay vì chỉ tại nơi đặt trụ sở như trước đây.

Đây là cốt lõi của thỏa thuận thuế mới, nhằm tiến tới chấm dứt cuộc đua miễn giảm thuế doanh nghiệp giữa chính phủ các nước và ngăn các công ty đa quốc gia giấu lợi nhuận của mình ở những “thiên đường thuế” (tức các quốc gia cho phép doanh nghiệp đóng ít hoặc không cần đóng thuế). Giới chuyên gia mô tả thỏa thuận này có thể dẫn đến đóng băng các "thiên đường thuế" hiện nay.

"Tất cả các nguyên thủ quốc gia G20 đều tán thành một thỏa thuận lịch sử về các quy tắc thuế quốc tế mới, trong đó có mức thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm chấm dứt cuộc đua hạ thuế doanh nghiệp", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen xác nhận.

Hồi đầu tháng 10, 136 quốc gia đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu, cũng đã ký một văn kiện do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) làm trung gian, nhằm tìm kiếm các mức thuế nhằm vào các công ty đa quốc gia một cách công bằng hơn và ban hành mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn toàn cầu.

Theo đó, mức thuế tối thiểu 15% sẽ được áp dụng cho các tập đoàn có doanh thu vượt quá 750 triệu euro (866 triệu USD). Ước tính mức thuế này có thể đóng góp thêm 150 tỷ USD hàng năm vào nguồn thu thuế toàn cầu.

Những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Google, Amazon, Facebook và Apple, chuyên gia trong việc dựa vào các quốc gia có mức thuế thấp để giảm bớt số tiền phải đóng thuế, được xem là mục tiêu chính trong quy định thuế toàn cầu mới.

Để thỏa thuận thuế mới đi vào thực thi, các nước tham gia cần ban hành các quy định mới. Các chuyên gia cho rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp khó khăn, bởi để một dự luật được thông qua, nó phải được 2/3 nghị sĩ Thượng viện chấp nhận. Thượng viện Mỹ hiện chia đều số ghế cho đảng Dân chủ và Cộng hòa, tức ông Biden cần ít nhất 17 phiếu thuận nữa từ phía đảng Cộng hòa.

Bên cạnh thỏa thuận thuế, các lãnh đạo G20 cũng thể hiện sự nhất trí đối với lời kêu gọi gia hạn nợ cho các nước nghèo. Nhóm G20 cũng tái khẳng định cam kết ủng hộ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số thế giới đến giữa năm 2022.

Đọc tiếp