Tổng cầu thế giới chập chờn, Vinatex đặt mục tiêu lợi nhuận giảm trong năm 2023

Dệt May vinatex
14:34 - 02/01/2023
Tổng cầu thế giới chập chờn, Vinatex đặt mục tiêu lợi nhuận giảm trong năm 2023
0:00 / 0:00
0:00
Trước diễn biến khó khăn của năm 2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận bằng 85,8% so với 2022.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa công bố kế hoạch kinh doanh 2023 với nhiều chỉ tiêu thận trọng. Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, năm 2022, nền kinh tế thế giới biến động phức tạp, ngành dệt may đối mặt với nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ, đơn hàng giảm đột ngột bắt đầu từ quý III/2022.

Tuy nhiên, Vinatex vẫn đạt các chỉ tiêu với doanh thu hợp nhất ước đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Dự báo một năm đầy khó khăn

Theo lãnh đạo Vinatex, với diễn biến thị trường đang không thuận lợi đã kéo dài từ cuối quý III/2022 tới nay, dự báo 2023 là năm kinh doanh đầy khó khăn với các ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may.

Thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2022 khoảng 722 tỷ USD, bằng 90% năm 2021. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 tùy thuộc vào các kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Trước những dấu hiệu thị trường suy giảm, năm 2023 Vinatex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 19.550 tỷ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 935 tỷ đồng bằng 85,8% so với 2022.

Theo đó, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, Vinatex xác định 4 nhóm giải pháp chung bao gồm: Hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói thông qua xác định sản phẩm chủ lực, từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín.

Đầu tư cho tăng trưởng xanh, tăng cường đầu tư công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng hóa chất, giảm phát thải.

Sử dụng tối đa năng lượng tái tạo; Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm tái chế, sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch; Cập nhật để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội. Thực hiện thành công công tác chuyển đổi số: Ưu tiên chuyển đổi số cho hoạt động cốt lõi, trên cơ sở nguồn lực hợp lý.

Tiếp tục làm tốt công tác dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để các đơn vị thành viên có cơ sở cân nhắc, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn.

Với ngành sợi, bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối trong chuỗi sản xuất dệt, may của tập đoàn để đẩy mạnh tiêu thụ sợi; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để đảm bảo dòng tiền; đảm bảo chất lượng sản phẩm cao và ổn định; bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Với ngành may, các doanh nghiệp trong tập đoàn tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường và đồng thời luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón những cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.

Tin liên quan

Đọc tiếp