Tổng thống Nga Putin: BRICS đang tạo ra đồng tiền dự trữ toàn cầu mới

KINH TẾ BRICS
12:03 - 23/06/2022
Tổng thống Nga Putin phát biểu qua video tại Diễn đàn kinh doanh BRICS ngày 22/6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Putin phát biểu qua video tại Diễn đàn kinh doanh BRICS ngày 22/6. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong video phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh BRICS ngày 22/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết khối BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi) đang làm việc để thiết lập một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới dựa trên rổ tiền tệ của 5 thành viên.

“Việc tạo ra một đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên rổ tiền tệ của các quốc gia chúng ta đang được giải quyết", RT dẫn lời Tổng thống Nga Putin.

Theo ông Putin, các quốc gia thành viên cũng đang phát triển một mạng lưới thanh toán chung đáng tin cậy cho thanh toán quốc tế, để cắt giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây. Ngoài ra, các nước BRICS cũng đang thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại lẫn nhau.

Bên cạnh đó, các ngân hàng từ các quốc gia BRICS có thể tự do kết nối với hệ thống thanh toán SPFS (Hệ thống truyền tin tài chính) của Nga, thay thế hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu).

Các nhà lãnh đạo khối BRICS (từ trái sang) gồm: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, năm 2019. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo khối BRICS (từ trái sang) gồm: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, năm 2019. Ảnh: AP

“Hệ thống SPFS của Nga sẵn sàng kết nối các ngân hàng từ 5 quốc gia. Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống thanh toán MIR của Nga cũng đang được mở rộng ra nhiều nước”, ông Putin tuyên bố.

SPFS được Ngân hàng Trung ương Nga tạo ra vào năm 2014 như một giải pháp thay thế cho hệ thống SWIFT, khi Moscow hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây về vấn đề sáp nhập bán đảo Crimea. Hệ thống này có chức năng tương tự như SWIFT và cho phép truyền thông điệp giữa các tổ chức tài chính theo cùng một định dạng.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina hồi tháng 4 cho biết, hầu hết các tổ chức cho vay của Nga và 52 tổ chức nước ngoài từ 12 quốc gia đã nhận được quyền truy cập vào SPFS. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ giữ bí mật danh tính các thành viên của hệ thống thanh toán này.

Theo CNN, BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Nga và Brazil, chiếm hơn 40% dân số thế giới và gần 25% tổng sản lượng quốc nội (GDP) toàn cầu.

Mặc dù Nga đang gặp nhiều trở ngại do các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng nước này đang tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế với các thành viên BRICS. Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và khối này đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 45 tỷ USD.

Moscow cũng đang tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ với mức chiết khấu lớn. Trong đó, nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5, vượt qua cả Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Bắc Kinh.

Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 23/6 do Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ tham dự trực tuyến hội nghị này. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Nga tham dự một hội nghị quốc tế lớn kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra.

Theo các chuyên gia, xuyên suốt nội dung thảo luận của các lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ là vấn đề hợp tác kinh tế, chống lạm phát, đối phó với các cuộc khủng hoảng và một số vấn đề toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề Ukraine, hội nghị có khả năng sẽ đưa ra tuyên bố ủng hộ giải pháp hòa bình.

Tin liên quan

Đọc tiếp