Trung Quốc xin lỗi Costa Rica vì sự cố khí cầu bay qua không phận

Khí cầu TRUNG QUỐC
11:11 - 07/02/2023
Khinh khí cầu bay tại khu vực ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, Mỹ, ngày 4/2. Ảnh: AP
Khinh khí cầu bay tại khu vực ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, Mỹ, ngày 4/2. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ Costa Rica cho biết Trung Quốc đã xin lỗi nước này sau khi một khinh khí cầu của Bắc Kinh bay vào không phận. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và một số nước khu vực Mỹ Latinh cũng phát hiện khinh khí cầu lạ bay qua.

Reuters đưa tin, trong tuyên bố ngày 6/2, Bộ Ngoại giao Costa Rica cho biết chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận rằng một khinh khí cầu của họ đã bay qua lãnh thổ nước này và Đại sứ quán Trung Quốc tại San Jose đã "xin lỗi về sự cố".

Bắc Kinh đồng thời nhấn mạnh rằng khinh khí cầu tập trung vào nghiên cứu khoa học, chủ yếu về thời tiết. Các quan chức Trung Quốc cũng giải thích với Costa Rica rằng đường bay của khinh khí cầu đã đi chệch khỏi lộ trình ban đầu và khả năng tự chỉnh hướng của nó rất hạn chế.

Ngày 5/2, ông Fernando Naranjo Elizondo, Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Costa Rica, cho biết giới chức địa phương đã nhận được báo cáo về một khinh khí cầu bay qua lãnh thổ nước này vào ngày 2/2.

Quan chức này nói thêm rằng vào thời điểm đó, giới chức đã thông báo cho phi công các máy bay chở khách về sự xuất hiện của khinh khí cầu, nhưng không thực hiện hành động nào khác. Ông cũng lưu ý rằng khinh khí cầu không rơi xuống lãnh thổ Costa Rica và họ không có kế hoạch điều tra thêm “vì nó đã biến mất”.

Khinh khí cầu Trung Quốc bị tiêm kích Mỹ bắn hạ ngày 4/2. Ảnh: Reuters

Khinh khí cầu Trung Quốc bị tiêm kích Mỹ bắn hạ ngày 4/2. Ảnh: Reuters

Quân đội Colombia ngày 4/2 cũng ra tuyên bố về việc phát hiện một vật thể tương tự như khinh khí cầu trên lãnh thổ vào ngày 1/2, tuy nhiên không đề cập nguồn gốc của khinh khí cầu từ quốc gia nào.

Theo đó, một "vật thể" đã được phát hiện trên không phận Colombia ở độ cao 55.000 feet (16.764 km), di chuyển với tốc độ trung bình 25 hải lý (46,3 km)/giờ. Lực lượng không quân Colombia đã theo dõi nó cho đến khi nó rời khỏi không phận.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 6/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng khinh khí cầu xuất hiện tại khu vực Mỹ Latinh "có tính chất dân sự và được sử dụng cho các chuyến bay thử nghiệm”, theo NDTV.

Bà Mao Ning cho biết: “Do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết cộng với khả năng cơ động bị hạn chế, khinh khí cầu đã đi chệch hướng rất nhiều so với hành trình dự kiến ​​và vô tình đi vào không phận Mỹ Latinh và Caribe”.

Trước đó, quân đội Mỹ hôm 28/1 cũng phát hiện một khinh khí cầu bay qua không phận ở Alaska. Khinh khí cầu này bay sang không phận Canada vào ngày 30/1 rồi quay lại vùng trời của Mỹ. Sau khi Washington thông tin về vụ việc, Trung Quốc đã thừa nhận đây là khí cầu dân sự, phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng của nước này nhưng đã bay lạc vào lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho rằng khinh khí cầu này có thể là thiết bị do thám của Trung Quốc nên quyết định dùng tiêm kích F-22 bắn hạ nó hôm 4/2 ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/2 bày tỏ sự phản đối trước việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này và cho rằng Washington "phản ứng thái quá" và "vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế".

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden khẳng định vụ việc không làm suy yếu quan hệ Mỹ - Trung. "Chúng tôi đã nói rõ với Trung Quốc về những việc chúng tôi sẽ làm. Họ hiểu lập trường của chúng tôi. Chúng tôi đã làm điều đúng đắn. Đây không phải vấn đề quan hệ sẽ yếu đi hay cải thiện. Đây là thực tế", ông Biden nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp