Twitter đệ đơn kiện Ấn Độ vì lệnh gỡ tài khoản

pháp lý twitter
17:04 - 06/07/2022
Biển hiệu Twitter tại một địa điểm công cộng ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images
Biển hiệu Twitter tại một địa điểm công cộng ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 5/7, mạng xã hội Twitter đã đệ đơn kiện Chính phủ Ấn Độ, sau khi nước này yêu cầu chặn các tài khoản và gỡ một số bài đăng nhất định.

New York Times đưa tin, đơn kiện của Twitter được đệ trình lên Tòa án Tối cao Karnataka ở Bangalore, với cáo buộc rằng lệnh của chính phủ Ấn Độ tạo ra "vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng nền tảng”.

Mạng xã hội này được giới chức Ấn Độ đưa ra thời hạn cuối cùng vào ngày 4/7 để xóa nhiều tài khoản và bài đăng. Người phát ngôn của Twitter cho biết công ty đã tuân thủ lệnh, nhưng sau đó đã tìm kiếm sự cứu trợ từ cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, hiện chưa có ngày ấn định để thẩm phán xem xét đơn kiện của Twitter.

Chính phủ Ấn Độ cùng ngày đã phản ứng với vụ kiện mới của Twitter. New Delhi cho biết Twitter đã mất quyền miễn trừ ở Ấn Độ, sau khi mạng xã hội này không tuân thủ đạo luật công nghệ thông tin được công bố vào tháng 2 và có hiệu lực vào cuối tháng 5. Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Ashwini Vaishnaw tuyên bố: “Tất cả mọi người đều có trách nhiệm phải tuân thủ luật pháp mà Quốc hội Ấn Độ đã thông qua”.

Đạo luật công nghệ thông tin được Ấn Độ thông qua vào năm 2021, công bố vào tháng 2 năm nay và bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 5. Ảnh: Bloomberg

Đạo luật công nghệ thông tin được Ấn Độ thông qua vào năm 2021, công bố vào tháng 2 năm nay và bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 5. Ảnh: Bloomberg

Năm 2021, Ấn Độ đã thông qua một đạo luật công nghệ thông tin nhằm cấp các cơ quan chức năng nước này nhiều quyền giám sát hơn trên mạng xã hội, cho phép ra lệnh gỡ các tài khoản bị cáo buộc là xuyên tạc thông tin và có phát ngôn thù địch. Nếu các nền tảng từ chối tuân thủ đồng nghĩa là họ có thể bị kiện vì những gì người dùng đăng. Giám đốc điều hành của các công ty có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và đối mặt với án tù lên đến 7 năm.

Mặc dù Twitter đã cố gắng hợp tác với các lệnh đó, nhưng nền tảng này cũng lo ngại về “mối đe dọa tiềm tàng đối với quyền tự do ngôn luận”, cũng như cho rằng chúng “làm xói mòn các hệ thống bảo mật, mã hóa”. Tuy nhiên, phía Ấn Độ nhấn mạnh luật này là cần thiết để chống lại làn sóng thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Với hơn 38 triệu người dùng, Ấn Độ là thị trường lớn thứ tư của Twitter, theo ước tính năm 2021 của Insider Intelligence. Vụ kiện chính phủ Ấn Độ của Twitter là càng tạo ra làn sóng căng thẳng giữa các công ty công nghệ lớn nhất và các chính phủ trên toàn thế giới về các quyền trên mạng xã hội.

Vào năm 2021, ứng dụng WhatsApp (thuộc sở hữu của tập đoàn Meta) đã yêu cầu Tòa án Tối cao Delhi chặn khả năng thực thi đạo luật trên của Ấn Độ. Hiện tại, trường hợp này vẫn đang chờ xử lý, trong khi đó chính phủ đã lập luận rằng quyền riêng tư trên mạng xã hội không phải là “tuyệt đối” và “phải tuân theo các quy định”.

Còn các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua "Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số" (DSA) để xử lý Google và YouTube (Alphabet), Facebook và Instagram (Meta), TikTok, Twitter cùng các nền tảng trực tuyến lớn khác nếu cho đăng tải các nội dung bất hợp pháp.

"DSA sẽ nâng cấp các quy tắc cơ bản cho tất cả dịch vụ trực tuyến ở EU. Nó sẽ đảm bảo rằng môi trường trực tuyến vẫn là một không gian an toàn, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và cơ hội cho các doanh nghiệp kỹ thuật số. Nó mang lại hiệu quả thiết thực cho nguyên tắc rằng những gì ngoại tuyến là bất hợp pháp, chứ không phải riêng trực tuyến. Quy mô càng lớn, trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến càng lớn", Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, tuyên bố.

Tin liên quan

Đọc tiếp