Vietnam Airlines đề xuất Chính phủ kiểm soát vĩ mô ngành hàng không

VIETNAM AIRLINES Việt nAM
21:30 - 24/03/2022
Vietnam Airlines đề xuất Chính phủ kiểm soát vĩ mô ngành hàng không
0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hôm nay kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát hiệu quả kinh tế vĩ mô hàng không, trong đó đảm bảo các hãng hàng không phát triển bền vững, cạnh tranh bình đẳng nhưng có định hướng của Nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sáng 24/3, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, ngành hàng không tăng trưởng 2 con số trong 5 năm liền trước đại dịch. Tuy nhiên ngành đã phải hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong 2 năm đại dịch 2020, 2021.

Chủ tịch Vietnam Airlines chia sẻ, tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, với Vietnam Airlines thị trường nội địa đã phục hồi 80%, nhưng quốc tế chỉ hồi phục được 4% so với trước đại dịch. Do đó, thời gian tới vẫn thiếu khách và khó khăn vẫn tiếp tục kéo dài.

Mặc dù “Doanh nghiệp xác định nội lực là chính, do đó chúng tôi đã có đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines”, Chủ tịch Vietnam Airlines cũng nêu kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát hiệu quả kinh tế vĩ mô hàng không.

Nghĩa là, đảm bảo các hãng hàng không ở Việt Nam đều phát triển bền vững, cạnh tranh bình đẳng nhưng có định hướng của Nhà nước.

Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam

“Chúng tôi đề xuất kiểm soát vĩ mô hàng không để bình đẳng hãng hàng không trong nước và nước ngoài. Đồng thời, đối với trong nước, có kiểm soát, đảm bảo tải cung ứng, hiện do không bay được quốc tế nên tải hàng không dồn về trong nước và giá rất thấp, thấp hơn cả giá thành".

Theo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ Hàn Quốc hiện đã thống nhất cho sáp nhập hãng hàng không với nhau. Hay Chính phủ Indonesia cũng đã định hướng sáp nhập hãng hàng không với doanh nghiệp cảng với nhau. Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu kiểm soát số lượng hãng hàng không để đảm bảo sự phát triển vĩ mô này. Thị trường Trung Quốc cũng kiểm soát hàng không rất chặt.

Do đó, đại diện Vietnam Airlines đề xuất kiểm soát vĩ mô hàng không để bình đẳng hãng hàng không trong nước và nước ngoài. Đồng thời, đối với trong nước, có kiểm soát, đảm bảo tải cung ứng, hiện do không bay được quốc tế nên tải hàng không dồn về trong nước và giá rất thấp, thấp hơn cả giá thành. Đặc biệt phát triển hãng hàng không và đội bay phù hợp với phát triển hạ tầng. Nhiều máy bay của Vietnam Airlines không có chỗ đỗ nhưng vẫn tiếp tục đưa máy bay vào.

Ông Đặng Ngọc Hòa cũng kiến nghị Nhà nước có biện pháp hỗ trợ Vietnam Airlines - doanh nghiệp 86% vốn nhà nước - bằng cách các bộ ngành địa phương sử dụng sản phẩm của Vietnam Airlines đi kèm chất lượng đảm bảo.

Đồng thời kiến nghị rà soát bổ sung hệ thống pháp luật cơ chế chính sách về doanh nghiệp Nhà nước, để doanh nghiệp có thể tăng vốn và thoái vốn khắc phục ảnh hưởng quá lớn từ đại dịch.

Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng cho biết, do chi phí xăng dầu tăng, hãng dự tính chi phí sẽ tăng mức 5.000 - 7.000 tỷ đồng nên kiến nghị miễn thuế xăng dầu cũng như có chính sách về giá vé để doanh nghiệp phục hồi.

Trước đó, Vietnam Airlines cũng có đề xuất khi giá nguyên liệu tăng, giá trần cũng cần điều chỉnh. Việc điều chỉnh này không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà tạo điều kiện thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, vừa bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng vừa cải thiện chất lượng dịch vụ.

Cùng với đó, hãng bay kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án miễn 100% thuế môi trường với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Nếu được áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.

Hãng cũng đề nghị được phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Theo thông lệ quốc tế, trước đây, khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán, bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp