Xuất khẩu hàng dệt may lập đỉnh, tăng hơn 4,45 tỷ USD so với cùng kỳ

Dệt May Việt nAM
17:19 - 23/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may tính đến ngày 15/8 đã cao hơn 22,7% so với cùng kỳ. Trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của ngành khi nhập khẩu 11,14 tỷ USD tính đến hết tháng 7 năm nay.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may ghi nhận đạt 1,8 tỷ USD. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu đối với hàng dệt may đã ghi nhận đạt 24,076 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ, tương đương tăng 4,45 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan cho biết, dệt may là một trong những nhóm hàng chủ lực có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng này đều có sự tăng trưởng cao để giúp ngành hàng dệt may khởi sắc.

Cụ thể, tính đến hết tháng 7, Mỹ tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu số 1 của nhóm hàng dệt may Việt Nam với 11,14 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Vị trí thứ 2 là thị trường EU ghi nhận đạt 2,58 tỷ USD, tăng 36,2%; Nhật Bản đạt 2,06 tỷ USD, tăng 11,9%; Hàn Quốc đạt 1,68 tỷ USD, tăng 12,9%...

Trước đó, tại báo cáo cập nhật về ngành dệt may, chuyên gia của VNDirect cho rằng, tình hình lạm phát cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thời trang ở Mỹ - thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam.

Theo VNDirect, Mỹ đã cho thấy nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách với việc quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi. Do đó, giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng đầu năm đã tăng 30,9% so với cùng kỳ, đạt 66,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao, chứng khoán VNDirect nhận định. Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh lên 9,1% trong tháng 6, một mức chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua.

Do đó các chuyên gia cho rằng nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022.

Không chỉ các sản phẩm dệt may, theo Tổng cục Hải quan, ngành công nghiệp này còn đóng góp các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác với xơ, sợi dệt đạt 3,24 tỷ USD và vải mành, vải kỹ thuật đạt 562,4 triệu USD tính đến ngày 15/8/2022.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, hiện nay, dệt may là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sau: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Tuy nhiên, theo dự báo của CTCK BIDV (BSC), thời điểm cuối năm, xuất khẩu dệt may sẽ đối mặt với nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại so với đầu năm 2022.

Cụ thể, đối với mảng sợi, doanh nghiệp có thể sẽ loay hoay trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng khi giá sợi Trung Quốc, thị trường xuất khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam lao dốc từ tháng 5, giảm 23% so với mức đỉnh và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Còn với mảng dệt may, BSC cho rằng thị trường Mỹ với mức hàng tồn kho đang cao và suy thoái kỹ thuật gây áp lực đối với đơn hàng trong 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, các nhà máy có khách hàng là Walmart, Target sẽ bị giảm thiểu đơn hàng khi các nhà bán lẻ đang tích cực xử lý tồn kho.

Chuyên gia BSC cho rằng, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero Covid sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nguồn nguyên vật liệu cho ngành dệt may khi hơn 60% nguyên liệu đầu vào đến từ thị trường này. Mặc dù vậy, rủi ro này đã giảm đáng kể khi trong quý II, các doanh nghiệp dệt may vẫn đảm bảo đủ nguyên liệu cho đơn hàng. Ngoài ra, giá bông giảm mạnh cũng góp phần hạ nhiệt việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng so với nửa đầu năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp