Chủ động nguyên liệu đầu vào có ý nghĩa sống còn với ngành gỗ

Gỗ Việt nAM
19:59 - 27/01/2022
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 6 triệu m3 gỗ quy tròn. Ảnh: Internet
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 6 triệu m3 gỗ quy tròn. Ảnh: Internet
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,49 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ vùng rủi ro, trong khi để ngành gỗ phát triển bền vững bắt buộc phải đẩy mạnh vùng trồng trong nước và giảm sử dụng gỗ từ nguồn rủi ro.

Nhập khẩu gỗ nguyên liệu rủi ro vẫn chiếm tỷ trọng lớn

Cập nhật về tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các quốc gia tích cực (gỗ ít rủi ro) và quốc gia không tích cực (gỗ rủi ro), Tổ chức nghiên cứu Forest Trends cho thấy, lượng gỗ ít rủi ro chiếm tỷ trọng khoảng 2/3 trong tổng lượng nhập khẩu, phần còn lại là gỗ rủi ro. Có hai nhóm nguyên liệu là gỗ tròn và gỗ xẻ được nhập chủ yếu vào Việt Nam cả về lượng và giá trị kim ngạch.

Trong đó, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 6 triệu m3 gỗ quy tròn. Lượng gỗ này được đưa vào chế biến làm hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Lượng gỗ ít rủi ro được nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng, từ khoảng 68% trong tổng lượng nhập khẩu năm 2020 (tương đương 3,88 triệu m3 quy tròn) lên 72% trong 10 tháng đầu 2021 (3,8 triệu m3). Ngược lại, lượng gỗ rủi ro nhập khẩu có xu hướng giảm, từ 32% năm 2020 (tương đương 1,86 triệu m3 quy tròn) xuống còn 28% trong 10 tháng 2021 (1,49 triệu m3).

Tỷ trọng gỗ rủi ro nhập khẩu trong gỗ tròn lớn hơn nhiều so với trong gỗ xẻ. Cụ thể đối với gỗ tròn, tỷ trọng gỗ rủi ro chiếm 40 - 50% trong tổng lượng nhập. Đối với gỗ xẻ, tỷ trọng gỗ rủi ro chiếm trên dưới 30% trong tổng lượng nhập.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định, Việt Nam đang nỗ lực trong việc giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết sử dụng gỗ hợp pháp theo tinh thần của Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) mà Chính phủ ký với EU năm 2018 và Hiệp định về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp mà Chính phủ vừa ký với Chính phủ Mỹ vào tháng 10/2021.

Ảnh tác giả

“Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn tích cực chiếm phần chính và đang tiếp tục tăng, trong khi gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro chiếm phần nhỏ và đang có xu hướng giảm là tín hiệu tích cực cho thấy các nỗ lực của Chính phủ đang đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, lượng gỗ rủi ro nhập khẩu hàng năm vẫn còn rất lớn. Điều này đòi hỏi Chính phủ và cộng đồng ngành gỗ cần có các biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới”.

Ông Đỗ Xuân Lập

Cần có cơ chế đột phá để ngành gỗ chủ động nguyên liệu đầu vào

Bên cạnh những nguy cơ từ việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ những lãnh thổ rủi ro, dưới tác động của dịch COVID-19, nhập khẩu gỗ còn khiến chi phí đầu vào tăng cao, thách thức trực tiếp tới chất lượng và lợi nhuận ngành gỗ do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2022 đạt trên 16,5 tỉ USD, tăng 6% so với 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,3 tỉ USD, tăng gần 6%; lâm sản ngoài gỗ là 1,2 tỉ USD, tăng gần 8%.

Đưa ra giải pháp cho bài toán ngành gỗ, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu của Forest Trends cho rằng, việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào có vai trò sống còn cho hoạt động của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ. Sự kéo dài của đại dịch đòi hỏi các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cần có phương thức tiếp cận mới về tạo nguồn nguyên liệu đầu vào bền vững dựa trên nguồn gỗ rừng trồng tại Việt Nam.

Theo ông Phúc, đại dịch COVID-19 làm cho cước vận chuyển quốc tế tăng phi mã, trong khi đó, gỗ là ngành có độ mở rất lớn cả ở khâu xuất khẩu các mặt hàng gỗ và khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Do vậy, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang chịu những tác động tiêu cực.

“Ở khâu gỗ nguyên liệu nhập khẩu, cước vận chuyển tăng đẩy giá gỗ nhập khẩu liên tục tăng. Hoạt động giãn cách tại các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt nam cũng làm cho nguồn cung giảm sút. Bùng nổ của các công trình xây dựng là kết quả của các gói kích và nguồn vốn vay lãi suất thấp nhằm giảm tác động của đại dịch đẩy cầu gỗ nguyên liệu tại các nước này gia tăng. Các yếu tố này tác động trực tiếp tới việc giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng, thời gian giao gỗ chậm. Một số doanh nghiệp phải chậm đơn hàng cho đối tác”, ông Phúc phân tích.

Ảnh tác giả

“Trọng tâm của các giải pháp là tạo ra các nguồn quỹ đất sạch nhằm lôi kéo đầu tư từ khối tư nhân vào trồng rừng gỗ lớn. Nhu cầu tiếp cận nguồn đất nhằm phát triển rừng trồng gỗ lớn có chất lượng là rất hiện hữu trong nhiều doanh nghiệp, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp biến nhu cầu thành kế hoạch thực tế”.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu của Forest Trends

Nghiên cứu “Tạo quỹ đất phát triển nguồn gỗ nguyên liệu bền vững phục vụ chế biến xuất khẩu” của Forest Trends cho rằng khối tư nhân có tiềm năng là động lực cơ bản để có thể chuyển đổi tình trạng sản xuất gỗ rừng trồng từ gỗ nhỏ như hiện nay sang gỗ lớn trong tương lai.

Tuy nhiên, để các động lực này phát huy được hiệu quả, khối tư nhân cần tiếp cận được với nguồn đất trồng rừng. Tiếp cận này có thể thực hiện theo hình thức liên kết với các hộ trồng rừng, với các công ty lâm nghiệp, UBND và tại một số ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng như hiện nay.

Nghiên cứu chỉ ra bốn nguồn quỹ đất có tiềm năng là cơ hội để khối tư nhân tham gia tiếp cận trong tương lai, bao gồm: Đất từ các hộ gia đình, thông qua hình thức công ty liên kết với hộ; đất từ các công ty lâm nghiệp, thông qua hình thức công ty liên kết hoặc cho công ty giao/thuê dài hạn; đất do UBND xã đang quản lý, thông qua việc công ty thuê đất dài hạn và đất trống, rừng suy thoái không thể tự phục hồi tại một số khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, thông qua việc công ty liên kết với ban quản lý nhằm phát triển nguồn tài nguyên rừng kết hợp với trồng gỗ lớn.

“Để các nguồn quỹ đất này trở thành cơ hội đầu tư cho khối tư nhân cần có các cơ chế chính sách mới mang tính đột phá của Nhà nước, cho phép thay đổi hình thức quản lý đất đai chưa hiệu quả bởi các công ty lâm nghiệp, UBND xã và tại một số ban quản lý. Bên cạnh đó, cần có quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ, với sự tham gia của bên thứ ba, nhằm đảm bảo các liên kết minh bạch, công bằng, đem lại lợi ích cho các bên tham gia”, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nghị định 102-2020/NĐ-CP ngày 1/09/2020 của Chính phủ về Quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam đưa ra các tiêu chí xác định một quốc gia cung gỗ nguyên liệu (gỗ tròn, xẻ) cho Việt Nam thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực.

Nghị định quy định rõ gỗ từ nguồn không tích cực (hay thường được gọi là gỗ rủi ro) khi nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu sự kiểm tra chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, trong khi gỗ nhập khẩu từ vùng địa lý tích cực được coi là gỗ ít rủi ro và vì vậy cơ chế kiểm tra đối với nguồn gỗ nhập khẩu từ nguồn này dễ dàng hơn (không yêu cầu bổ sung tài liệu giải trình).

Tin liên quan

Đọc tiếp