Giá dầu tăng phi mã kéo giá đường trên đà tăng trở lại

Giá đường Việt nAM
12:28 - 22/03/2022
Giá đường trên đà tăng sau ngày 24/2. Ảnh: Vietnamplus.
Giá đường trên đà tăng sau ngày 24/2. Ảnh: Vietnamplus.
0:00 / 0:00
0:00
Xung đột Nga - Ukraine dù không ảnh hưởng lớn đến cung cầu sản phẩm đường của thế giới, tuy nhiên việc giá dầu đang lên mức cao nhất kể từ năm 2008 đồng nghĩa với việc giá nguyên liệu ethanol tăng theo đã kéo giá đường đi lên.

Giá đường trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng trở lại do được hỗ trợ bởi đà tăng phi mã của giá dầu. Giá xăng dầu tăng đồng nghĩa với việc giá ethanol cũng tăng. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cho biết, giá nhiên liệu tăng có thể khiến lượng đường xuất khẩu của Brazil, nhà cung cấp đường lớn nhất thế giới, giảm đáng kể trong mùa vụ sắp tới khi các nhà sản xuất ưu tiên sản xuất ethanol đang được giá so với sản xuất đường.

Về tình hình cung - cầu, mới đây ISO cũng đã cắt giảm dự báo thâm hụt đường toàn cầu trong niên vụ 2021 - 2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) xuống 1,9 triệu tấn so với dự báo ban đầu là 2,6 triệu tấn. Việc cắt giảm này chủ yếu là do dự báo tiêu thụ giảm xuống 172,4 triệu tấn, so với dự báo trước đó là 173 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2021 - 2022 tăng nhẹ tăng từ 170,4 triệu lên 170,5 triệu tấn.

Sản lượng đường tại các nước sản xuất lớn trên thế giới có diễn biến tích cực trong niên vụ 2021 - 2022, như tại Brazil, Ấn Độ, Thái Lan… đều tăng so với niên vụ trước.

Trong khi đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang không gây ảnh hưởng lớn đến cung - cầu đường thế giới bởi cả Nga và Ukraine đều tự cung tự cấp về đường và đều là những nước trồng củ cải đường lớn của thế giới.

Tuy nhiên, Nga có thể phải nhập khẩu đường do tồn kho ở mức thấp và ngành đường nước này cũng có nhiều rủi ro khi đang phải nhập khẩu hơn 95% hạt giống củ cải đường. Giá đường trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng trở lại do được hỗ trợ bởi đà tăng phi mã của giá dầu. Trong tháng 2, giá đường thế giới giảm trong phần lớn thời gian của tháng và tăng trở lại vào cuối tháng khi Nga tiến hành chiến lược quân sự tại Ukraine.

Nga mỗi năm sản xuất 6 triệu tấn đường, do đó đã tự cung tự cấp kể từ năm 2016 và không còn là nhà nhập khẩu đường lớn. Tuy nhiên, sản lượng hai vụ thu hoạch củ cải đường gần đây nhất là vụ 2020 – 2021 và 2021 - 2022 đều ở dưới mức trung bình và Nga đã cạn kiệt nguồn dự trữ đường, giảm xuống dưới 10% mức tiêu thụ hàng năm.

Giá đường trong nước gắn với giá đường thế giới

Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) dự báo các nguồn cung đường dồi dào, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong các tháng kế tiếp. Ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, ngành đường Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách áp thuế với đường nhập khẩu Thái Lan và xu hướng tăng giá chung của đường thế giới. Các doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô sẽ có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và thị phần.

Báo cáo mới đây của VSSA cho thấy, trong tháng 2 tất cả các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã vào vụ ép mía. Lũy kế đến cuối tháng 2 toàn ngành đã ép được 3.845.000 tấn mía sản xuất được 365.000 tấn đường.

Theo VSSA, nửa đầu tháng 2 thị trường trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2021 - 2022. Do đó, nguồn cung đường tương đối dồi dào và các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, đường sản xuất từ mía đang tồn kho không bán được.

Đánh giá về thị trường đường trong tháng 2, VSSA cho rằng, sức cầu kém vì thị trường sau Tết với sự bùng phát của dịch bệnh COVID 19 tại các tỉnh phía Bắc đã khiến cho thị trường tiếp tục rơi vào trạng thái dư thừa cung và đẩy giá đường tại thị trường trong nước xuống dưới mức giá thành sản xuất của đường từ mía.

Tuy vậy cuộc chiến Nga - Ukraine và các động thái liên quan đến các hoạt động trừng phạt kinh tế có thể gây ra những tác động khó lường đến nguồn cung trên thị trường năng lượng và ngũ cốc thế giới có thể khiến cho thị trường hàng hóa (trong đó có mặt hàng đường) có xu hướng tăng.

Ngoài ra, VASSA cũng nhấn mạnh rằng, giá đường trong thời gian sắp tới cũng phụ thuộc vào hiệu quả của các nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực nhưng vẫn được dự báo ở mức thấp hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp