Giảm bớt gánh nặng thực thi các quy định kinh tế số tại Việt Nam

số hóa Việt nAM
21:24 - 17/02/2022
Dự thảo Nghị định 72 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Dự thảo Nghị định 72 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Hậu COVID-19, công nghệ số gắn với các hoạt động kinh tế trở thành phương thức quan trọng để phục hồi, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặt ra yêu cầu cần có một cơ chế quản lý linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.

Các quy định còn nhiều phức tạp

Khẳng định công nghệ số có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch tại tọa đàm “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”, sáng 17/02, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, đây là một phần của bức tranh kinh tế số thế giới nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng.

Theo ông Hồng, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP đến năm 2025. Để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật số, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghệ số.

Theo đó, có chính sách pháp luật đối với các dịch vụ trên Internet như: dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới, dịch vụ điện toán đám mây; dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ mạng xã hội được thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Các diễn giả tham gia tọa đàm “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”, sáng 17/02.

Các diễn giả tham gia tọa đàm “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”, sáng 17/02.

Đưa ra những nhìn nhận về dự thảo Nghị định 72, ông Nguyễn Quang Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho biết, chuỗi giá trị thị trường ngành nội dung số hiện nay bao gồm: sáng tạo nội dung, kênh phân phối truyền tải nội dung, người dùng.

Trong đó, các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị hoạt động ở kênh phân phối truyền tải nội dung cần cấp phép hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, đáp ứng các quy định về kiểm soát cũng như xử lý nội dung (chặn, xóa, gỡ). Bên cạnh đó là các quy định về dịch vụ hạ tầng (ISP/Cloud) và có các cơ chế giải quyết tranh chấp/vi phạm về nội dung (hành chính, tư pháp, hình sự).

Các điều kiện cấp phép về tổ chức, nhân sự, kỹ thuật dành cho doanh nghiệp cung cấp dịch trò chơi điện tử trên mạng được yêu cầu bãi bỏ theo Quyết định 1994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/11/2021.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì lại vẫn giữ nguyên. Hay như dịch vụ trung tâm lưu trữ dữ liệu đã trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh của ngành nghề này.

Ảnh tác giả

“Điều này gây ra ‘gánh nặng’ về thực thi quy định đối với các doanh nghiệp. Có thể kể đến như các giấy phép mạng xã hội, trang tin; mạng xã hội có người truy cập thường xuyên thấp cần giấy xác nhận thông báo".

Ông Nguyễn Quang Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS)

Từ đó, Viện trưởng IPS đưa ra các khuyến nghị về đổi mới cách tiếp cận chính sách, tiếp cận quản lý. Trước tiên là xây dựng kỹ năng số cho người dùng, đào tạo kỹ năng số cho học sinh trong chương trình phổ thông. Kết hợp giải pháp pháp lý và giải pháp công nghệ. Có cơ chế cho các nhóm làm việc trong hợp tác quốc tế giải quyết vấn đề trong các khuôn khổ liên quốc gia.

Đồng thời, ông Đông cũng đưa ra khuyến nghị trong giảm tải các mục tiêu chính sách của Nghị định 72 về chống vi phạm bản quyền; về quản lý doanh thu/ thuế; về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân.

Hợp tác thông qua cơ chế nhóm làm việc: thiết lập nhóm làm việc task force' ở cả 2 cấp độ: kỹ thuật (chống nội dung xấu độc) và chính sách, đối với cả các doanh nghiệp công nghệ các hiệp hội trong nước và các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài (Facebook, Google, Tiktok).

“Nội dung số là vua”

Khẳng định triển vọng kinh tế số Việt Nam có nhiều tiềm năng trong tương lai, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, hạ tầng số Việt Nam đã có sự phát triển khá bền vững, từ cáp quang, di động, từ thành phố đến nông thôn và ra nước ngoài. Tuy nhiên trong so sánh tương quan với các quốc gia của khu vực thì Việt Nam vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Ảnh tác giả

“Nội dung số là vua, data dữ liệu tăng trưởng khoảng gần 20%/ năm. Giá trị tiêu dùng cuối cùng là đích đến của các dịch vụ Internet. Tiềm năng sản xuất nội dung số của Việt Nam còn nhiều dư địa và cần hướng đến mục tiêu xuất khẩu”.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam

Vấn đề pháp lý sau khi thực hiện dự thảo Nghị định 72 sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất nội dung số Việt Nam. Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, các quy định hiện nay chưa mạch lạc, chưa rõ ràng trong việc bố cục dẫn đến việc thực hiện các nghị định còn lệch lạc, bối rối.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần cập nhật kịp thời, thu thập các tình huống pháp lý để từ đó đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.

Đồng tình với ý kiến của ông Liên, ông Michael Mandel, Phó Chủ tịch Viện Chính sách tiến bộ Hoa Kỳ cũng cho rằng, Việt Nam nên hiểu rõ tiềm năng hiện có của mình trong việc tham gia vào nền thương mại toàn cầu. Thị trường toàn cầu còn rất nhiều cơ hội cho nội dung số.

Đây cũng là ý kiến của ông Jeff Paine, Giám đốc quản lý Liên minh Internet Châu Á khi nhắc đến các giải pháp huy động sự đầu tư, xây dựng môi trường hấp dẫn, thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự phát triển nội dung số và tham gia vào chuỗi cung ứng nội dung số toàn cầu.

Ảnh tác giả

"Khuôn khổ chính sách trong việc nâng cao kinh tế số của Việt Nam rất quan trọng, nhất là khi đến 2030, tỷ trọng kinh tế số toàn cầu sẽ tạo ra hơn 230 tỷ USD, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt của việc thu hút nguồn nhân lực".

Ông Jeff Paine, Giám đốc quản lý Liên minh Internet Châu Á

“Việt Nam là một quốc gia điển hình của ASEAN về kinh tế số. Thời điểm hiện tại hầu như 63 tỉnh Việt Nam đều có kết nối Internet tốc độ cao và một số khu công nghệ cao. Việt Nam có thể học theo kinh nghiệm quản lý các dịch vụ Internet của Singapore, từ đó tạo ra các quy định một cách thông minh, thực tiễn hơn góp phần đẩy mạnh nội dung số, dịch vụ số của Việt Nam”, ông Jeff Paine khuyến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.