Hàng không châu Âu dự báo 'gồng mình' trong dịp lễ Phục sinh vì đình công

Đình công CHÂU ÂU
06:51 - 07/04/2023
Sân bay Frankfurt, Đức, thông báo hoãn hủy chuyến do đình công, ngày 27/3. Ảnh: Reuters
Sân bay Frankfurt, Đức, thông báo hoãn hủy chuyến do đình công, ngày 27/3. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Các hãng hàng không châu Âu đang chuẩn bị đối phó với tình trạng gián đoạn hoạt động trong lễ Phục sinh (ngày 9/4) do ảnh hưởng bởi các cuộc đình công tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Reuters dẫn lời của các quan chức kiểm soát hàng không châu Âu cho biết, các cuộc đình công diễn ra trên khắp nước Pháp, Bồ Đào Nha, Anh và Đức trong những tuần gần đây có thể gây ra sự gián đoạn hoạt động đi lại bằng đường hàng không ở một số khu vực của châu Âu trong suốt kỳ nghỉ lễ Phục sinh.

“Sẽ xảy ra tình trạng chậm trễ chuyến. Không có nghi ngờ gì nữa”, ông Steven Moore, người phụ trách hoạt động quản lý không lưu tại cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu (Eurocontrol), cho biết.

Hàng không châu Âu dự báo 'gồng mình' trong dịp lễ Phục sinh vì đình công ảnh 1

Các cuộc đình công được cho là ảnh hưởng lớn tới các hãng hàng không châu Âu. Ảnh: Reuters

Mặc dù không nêu chi tiết về tình trạng trên, nhưng các cảnh báo cho thấy rằng hàng không châu Âu dễ bị tổn thương trước những áp lực từ bên ngoài, bất chấp việc giới chức cố gắng để tránh lặp lại tình trạng hàng dài người chờ đợi trước sân bay, trong khi hàng loạt chuyến bay bị hủy vào năm ngoái.

“Chúng tôi sẽ phải lên kế hoạch trước tình hình này và cố gắng hết sức để giảm thiểu điều đó. Nhưng cũng thật khó, vì đôi khi bạn chỉ nhận được thông báo trước 24 giờ”, ông Johan Lundgren, Giám đốc điều hành hãng hàng không easyJet (Anh), cho biết.

Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về quy tắc bồi thường khách hàng khi xảy ra tình trạng hủy hoãn chuyến bay cũng là vấn đề lớn.

Nhiều hãng hàng không cho biết họ phải trả tiền bồi thường, trong khi chính họ thì không nhận được hỗ trợ vì các cuộc biểu tình. Trong khi đó, các nhóm bảo vệ người tiêu dùng cho rằng các cuộc đình công tại các sân bay không phải là mới và các hãng hàng không nên phản ứng nhanh hơn và trả tiền bồi thường.

Bóng ma của tình trạng chậm trễ chuyến bay đã xuất hiện tại Pháp khi nước này đang bị đối mặt với hàng loạt các cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc về cải cách lương hưu.

Theo dữ liệu của Eurocontrol, chỉ riêng các cuộc đình công tại Pháp đã gây ra hàng nghìn giờ chậm trễ chuyến, đôi khi có thể lên tới 70.000 phút chậm trễ trong một ngày. Việc một chuyến bay bị hoãn sẽ có tác động phức tạp, vì máy bay sẽ khởi hành và hạ cánh muộn hơn, gây ra các vấn đề mang tính hệ thống tại cả điểm đi và điểm đến.

Kể từ ngày 13/3, Cơ quan Hàng không dân dụng Pháp (DGAC) hầu như mỗi ngày đều yêu cầu các hãng hàng không cắt giảm từ 20% - 30% chuyến bay tại một số sân bay, bao gồm cả sân bay Orly lớn thứ hai của thủ đô Paris.

Ông Michael O'Leary, Giám đốc điều hành hãng hàng không Ryanair, đã phàn nàn rằng các cuộc đình công đã làm gián đoạn các chuyến bay quốc tế tại sân bay Pháp – vốn chiếm khoảng 15% lưu lượng vận tải hàng không của châu Âu.

Tuần trước, ông cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) cần hành động nhiều hơn để ngăn chặn các cuộc đình công của ngành hàng không, trong khi nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng đình công là vấn đề quốc gia.

Sự gián đoạn các chuyến bay diễn ra vào thời điểm nhu cầu đi lại của châu Âu đang phục hồi trở lại. Các chuyến bay khởi hành từ Anh vào cuối tuần lễ Phục sinh dự báo sẽ tăng 11% so với năm ngoái và tăng 650% kể từ năm 2021, mặc dù chúng sẽ vẫn thấp hơn khoảng 13% so với trước đại dịch, theo dữ liệu của Cirium.

Hàng không châu Âu dự báo 'gồng mình' trong dịp lễ Phục sinh vì đình công ảnh 2

Người dân Pháp xuống đường đình công trong ngày 6/4. Ảnh: Le Monde

Trong lúc này, các cuộc đình công tại Pháp vẫn chưa có dấu hiệu được hòa giải. Ông Fabrice Criquet, tổng thư ký của công đoàn Force Ouvriere tại Tập đoàn sân bay Paris (ADP), cho biết cách duy nhất để tình hình trở lại bình thường là chính phủ Pháp phải rút lại kế hoạch cải cách lương hưu.

“Các cuộc đình công nhằm mục đích làm gián đoạn hoạt động. Chúng tôi đã phản đối trong nhiều tháng về cải cách lương hưu và sẽ tiếp tục làm như vậy”, ông Fabrice Criquet tuyên bố.

Trong khi đó, tại Đức, các cuộc đình công của liên đoàn lao động trên các ngành công nghiệp cũng đã gây ra sự gián đoạn đi lại trên khắp đất nước trong những tuần gần đây. Riêng tại sân bay Frankfurt, hơn 300.000 hành khách không thể bay do đình công.

“Đối với chúng tôi, điều này đồng nghĩa với việc mất doanh thu hàng triệu Euro”, ông Stefan Schulte, người đứng đầu Sân bay Frankfurt, nói. “Tôi đang tự hỏi liệu có tốt hơn không nếu có một thỏa thuận ngừng đình công tại các cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Tại Bồ Đào Nha, các quan chức kiểm soát biên giới và đào tạo nhân công tuyên bố sẽ đình công trong tuần này. Hiệp hội Doanh nghiệp Du lịch và Khách sạn của Algarve (AHETA) kêu gọi các hành động phòng ngừa và cảnh báo rằng các cuộc đình công tại các chốt kiểm soát biên giới có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của khu vực này đối với khách du lịch.

"Các thành viên của chúng tôi rất lo lắng, nhưng họ lo lắng một cách hợp lý. Họ đã làm rất nhiều việc để đảm bảo rằng các chuyến bay diễn ra một cách hợp lý", Olivier Jankovec, người đứng đầu Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI) cho biết.

"Làm thế nào để ngăn chặn các cuộc đình công? Đây không phải là điều mà chúng ta thực sự có thể ngăn chặn, bởi vì chúng ta không thể nhận được mức tăng lương 20% trong một sớm một chiều", ông nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.