IAEA tuyên bố không thể xử lý các vấn đề tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia

chiến sự Nga - Ukraine
11:54 - 07/09/2022
Nhóm thanh sát viên IAEA bao gồm Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi (giữa), quan sát thiệt hại do trận pháo kích vào một tòa nhà tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: IAEA
Nhóm thanh sát viên IAEA bao gồm Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi (giữa), quan sát thiệt hại do trận pháo kích vào một tòa nhà tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: IAEA
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 6/9 đã tổng hợp kết quả của chuyến thị sát tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Cơ quan này kêu gọi thiết lập khu vực an toàn và an ninh xung quanh nhà máy để ngăn chặn thảm họa hạt nhân. 

TASS đưa tin, trong báo cáo dài 50 trang của IAEA sau khi cử nhóm thanh sát viên tới nhà máy Zaporizhzhia, cơ quan này nhận định: “Tình hình hiện tại là không thể xử lý được”.

"Trong khi chờ đợi xung đột chấm dứt và tái thiết lập các điều kiện ổn định, cần có biện pháp tạm thời để ngăn chặn sự cố hạt nhân phát sinh do thiệt hại vật chất mà phương tiện quân sự gây ra. Điều này có thể đạt được bằng cách thiết lập ngay khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân", báo cáo chỉ ra.

Ông Rafael Grossi phát biểu trước báo giới tại sân bay quốc tế Vienna, Áo ngày 2/9 sau chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Ông Rafael Grossi phát biểu trước báo giới tại sân bay quốc tế Vienna, Áo ngày 2/9 sau chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở Ukraine. Ảnh: Reuters

"IAEA sẵn sàng bắt đầu ngay lập tức các cuộc tham vấn để thiết lập khẩn cấp khu vực như vậy tại Zaporizhzhia", cơ quan này khẳng định.

Theo báo cáo, nhóm chuyên gia IAEA đã "chứng kiến các cuộc pháo kích ở khu vực lân cận nhà máy và quan sát thiệt hại tại những địa điểm khác nhau”, bao gồm một tòa nhà chứa nhiên liệu hạt nhân, một cơ sở lưu trữ chất thải phóng xạ và một tòa nhà có hệ thống báo động.

Cơ quan này lên tiếng kêu gọi cần sử dụng biện pháp để ngăn chặn thảm họa hạt nhân. "Các hành động pháo kích trong khu vực và vùng lân cận nên được dừng lại ngay lập tức để tránh gây thêm bất kỳ thiệt hại nào cho nhà máy và các cơ sở liên quan, vì sự an toàn của nhân viên vận hành nhà máy, cũng như duy trì tính toàn vẹn vật lý để hỗ trợ hoạt động an toàn và bảo mật. Tuy nhiên, điều này cần sự đồng ý của tất cả các bên liên quan về việc thiết lập khu vực bảo vệ an ninh và an toàn hạt nhân xung quanh Zaporizhzhia”, báo cáo viết.

Cơ quan này cho biết, cần thiết phải thiết lập lại nguồn cung cấp điện dự phòng cho nhà máy. "IAEA khuyến nghị rằng, đường dây cung cấp điện dự phòng như đã thiết kế nên được thiết lập lại và có sẵn bất cứ lúc nào. Tất cả các hoạt động quân sự đều có thể ảnh hưởng đến hệ thống cung cấp điện”, báo cáo chỉ ra.

IAEA đề nghị thiết lập điều kiện làm việc tốt cho các nhân viên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

IAEA đề nghị thiết lập điều kiện làm việc tốt cho các nhân viên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, IAEA cũng kêu gọi các bên xung đột cần thiết lập điều kiện làm việc tốt hơn cho nhân viên trong các cơ sở hạt nhân tại đây, bao gồm hỗ trợ cho gia đình họ. “Các nhân viên Ukraine vận hành nhà máy điện hạt nhân dưới sự kiểm soát của quân đội Nga luôn phải chịu áp lực và căng thẳng cao độ. Đặc biệt, số lượng nhân viên tại nhà máy hiện có thì hạn chế”, báo cáo chỉ ra.

Phát biểu trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 6/9, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, Moscow lấy làm tiếc vì báo cáo của IAEA không chỉ đích danh Ukraine đứng sau các vụ pháo kích, theo AFP.

“Chúng tôi hiểu quan điểm của nhóm chuyên gia với tư cách là cơ quan quản lý quốc tế. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, việc nêu đích danh mọi thứ là rất quan trọng. Nếu Ukraine tiếp tục hành động khiêu khích, thì không gì có thể đảm bảo sẽ không có hậu quả nghiêm trọng. Khi đó, trách nhiệm phải hoàn toàn thuộc về Kiev, những nước phương Tây ủng hộ họ cũng như tất cả thành viên của Hội đồng Bảo an", ông Nebenzia nhấn mạnh.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya đáp trả rằng, nhà máy vốn không có vấn đề gì cho đến khi lực lượng Nga kiểm soát. "Thế giới này xứng đáng và cần thiết được các đại diện của IAEA buộc Nga phi quân sự hóa lãnh thổ nhà máy và trả lại toàn quyền kiểm soát cho Ukraine", ông Kyslytsya nói.

Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Ukraine, đã nằm trong tầm kiểm soát của Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Kể từ đó, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga và các binh sĩ chuyên trách đã canh gác địa điểm này, trong khi các nhân viên Ukraine bên trong nhà máy tiếp tục thực hiện công việc của mình như bình thường. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn với khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình.

Tầm quan trọng của nhà máy Zaporizhzhia khiến nơi này đã trở thành điểm nóng xung đột khi cả phía Nga lẫn phía Ukraine đều tố cáo nhau pháo kích và có ý định gây ra thảm họa hạt nhân. Trong bối cảnh đó, cả Liên Hợp Quốc và Ukraine đã cùng kêu gọi Nga rút các thiết bị quân sự và nhân viên khỏi khu phức hợp hạt nhân lớn nhất châu Âu, để đảm bảo nó không phải là mục tiêu.

Thậm chí do lo ngại về một vụ tai nạn hạt nhân ở một quốc gia vẫn bị ám ảnh bởi thảm họa Chernobyl năm 1986, chính quyền địa phương Zaporizhzhia đang phát các viên iốt và dạy người dân cách sử dụng chúng trong trường hợp rò rỉ phóng xạ.

Hôm 1/9, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cùng 13 thanh sát viên đã đến thị sát các cơ sở của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, trong bối cảnh nhà máy này đang hứng chịu nhiều đợt pháo kích. Sau khi tham quan nhà máy, IAEA cho biết sẽ tìm cách thiết lập "sự hiện diện thường xuyên" tại đây.

Tin liên quan

Đọc tiếp