LHQ cảnh báo nhân loại đối mặt với đe doạ hạt nhân lớn nhất

hạt nhân Liên Hợp Quốc
11:46 - 02/08/2022
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại tại Hội nghị lần thứ 10 Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại tại Hội nghị lần thứ 10 Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/8, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo nhân loại đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi vũ khí hạt nhân kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

“Ngày nay, nhân loại chỉ còn cách sự hủy diệt hạt nhân bởi một hiểu lầm, một tính toán sai lầm”, AFP dẫn phát biểu của ông Guterres tại Hội nghị lần thứ 10 Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) tại New York, Mỹ.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng các cuộc xung đột trên toàn cầu, vi phạm nhân quyền, cuộc khủng hoảng khí hậu và đại dịch Covid-19 “đã khiến thế giới của chúng ta phải chịu căng thẳng hơn”. Trong đó, rủi ro chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

“Loại bỏ vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để đảm bảo chúng sẽ không bao giờ được sử dụng”, Tổng thư ký kêu gọi.

Ông Guterres cảnh báo nhân loại không được quên thảm họa tại Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản). Nguồn: UN

Ông cho biết sẽ đến thăm Hiroshima (Nhật Bản) nhân kỷ niệm sự kiện ngày Mỹ ném bom xuống thành phố này ngày 6/8/1945 và hội đàm với một số quốc gia châu Á – Thái Bình Dương về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

“Nhân loại đang có nguy cơ quên đi những bài học từ vụ nổ kinh hoàng ở Hiroshima và Nagasaki. Căng thẳng địa chính trị đang tăng lên tầm cao mới. Cạnh tranh lấn át sự hợp tác và cộng tác. Sự ngờ vực đã thay thế đối thoại và sự mất đoàn kết đã thay thế việc giải trừ quân bị”, ông Guterres nhấn mạnh và nói rằng hội nghị đánh giá NPT là “cơ hội để củng cố hiệp ước và điều chỉnh nó phù hợp với một thế giới đầy lo lắng”.

Ông cũng đề cập đến cuộc xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng ở khu vực Trung Đông và trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời thông tin rằng thế giới hiện có gần 13.000 vũ khí hạt nhân trong khi nguy cơ gia tăng còn tiếp diễn, mà những biện pháp ngăn ngừa leo thang ngày một yếu.

Thế giới hiện có gần 13.000 vũ khí hạt nhân. Ảnh: The Guardian

Thế giới hiện có gần 13.000 vũ khí hạt nhân. Ảnh: The Guardian

“Cho đến lúc này, chúng ta đã vô cùng may mắn. Nhưng may mắn không phải là chiến lược hay là tấm khiên ngăn chặn trước căng thẳng địa chính trị leo thang và trở thành xung đột hạt nhân”, ông nói thêm và kêu gọi các quốc gia cần “đưa nhân loại bước vào lộ trình mới hướng tới thế giới không còn vũ khí hạt nhân”.

Hồi tháng 1, các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp, đã cam kết ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngày 1/8, Mỹ, Anh và Pháp tái khẳng định cam kết trong một tuyên bố chung rằng “chiến tranh hạt nhân không bao giờ đem lại chiến thắng và không bao giờ được tiến hành”. 3 quốc gia này cũng kêu gọi Nga tuân thủ các cam kết quốc tế theo NPT.

Trong bức thư gửi các bên tham gia Hội nghị đánh giá NPT, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: "Nga luôn tuân thủ cả về tinh thần và nội dung của Hiệp ước (Không phổ biến Vũ khí hạt nhân - NPT). Các nghĩa vụ của chúng tôi theo các thỏa thuận song phương với Mỹ về việc cắt giảm và hạn chế các loại vũ khí liên quan cũng đã được hoàn thành đầy đủ”.

Theo Tổng thống Putin, "không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân" và cuộc chiến này "không bao giờ được nổ ra". Nhà lãnh đạo Nga cho biết, Moscow tin rằng mọi quốc gia tuân thủ các quy tắc của hiệp ước NPT nên sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình và không cần bất kỳ điều kiện nào.

"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với các đối tác của chúng tôi", ông Putin nói thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp