Microsoft nhận phán quyết có lợi cho thương vụ game 69 tỷ USD với Activision

Game MỸ
10:41 - 12/07/2023
Thẩm phán San Francisco ngày 11/7 ra phán quyết có lợi đối với Microsoft trong thương vụ mua lại Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD. Ảnh: AP
Thẩm phán San Francisco ngày 11/7 ra phán quyết có lợi đối với Microsoft trong thương vụ mua lại Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 11/7, Microsoft ghi nhận một chiến thắng trong việc mua lại nhà sản xuất trò chơi điện tử Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD - một thương vụ lớn kỷ lục trong ngành vốn vấp phải nhiều sự phản đối do lo ngại độc quyền.

Theo hãng tin Reuters, thẩm phán Jacqueline Scott Corley tại San Francisco ngày 11/7 đã đưa ra phán quyết bác bỏ lập luận của các cơ quan quản lý rằng thỏa thuận mua lại Activision của Microsoft sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng thông qua việc trao cho nhà sản xuất Xbox quyền truy cập độc quyền vào các trò chơi ăn khách như Call of Duty, World of Warcraft, Diablo hay trò chơi di động Candy Crush Saga.

Cụ thể, vị thẩm phán này tuyên bố: "FTC không chứng minh được khả năng công ty kết hợp rút Call of Duty khỏi Sony Playstation hoặc quyền sở hữu nội dung của Activision làm giảm đáng kể sự cạnh tranh trong thị trường trò chơi điện tử nền tảng đám mây”.

Ngay sau lệnh của thẩm phán Mỹ, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường của Anh (CMA) tuyên bố sẵn sàng xem xét các đề xuất của Microsoft để giải quyết các lo ngại về chống độc quyền ở Anh, cho thấy hai bên có thể đi đến một giải pháp chung. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) sẽ có thời hạn đến 14/6 để kháng cáo quyết định này.

Trước đây, FTC vẫn luôn đưa ra các lo ngại về cạnh tranh và tính độc quyền để phản đối thương vụ này với lập luận Microsoft có thể sử dụng các trò chơi của Activision để khiến các nhà sản xuất đối thủ như Nintendo và công ty dẫn đầu thị trường Sony Group gặp khó khăn.

Quyết định này đánh dấu một chiến thắng đối với Microsoft, đặc biệt khi chính quyền Anh và Mỹ là 2 quốc gia phản đối thỏa thuận lớn nhất từng xuất hiện trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử này. Ngoài ra, nó có khả năng cũng đánh dấu một bước lùi trong nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm nhằm cắt giảm chi phí cho người tiêu dùng, trong đó bao gồm cả các cuộc đàm phán để giảm giá thuốc insulin và loại bỏ "phí rác" trong vé máy bay.

Nhận định về phán quyết trên, Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết công ty rất biết ơn về quyết định "nhanh chóng và kỹ lưỡng". Trong một thông báo trên Twitter cùng ngày, ông khẳng định trọng tâm của công ty hiện tại là xem xét cách thay đổi giao dịch để giải quyết các mối quan tâm của CMA. Theo các nhận định trên thị trường, ví dụ như từ nhà phân tích Franco Granda D.A. Davidson & Co, Microsoft và CMA “có khả năng sẽ đạt được thỏa thuận trong một vài tuần tới”.

Ngược lại, FTC bày tỏ sự phản đối với phán quyết trên, người phát ngôn của FTC Douglas Farrar cho biết cơ quan quản lý chống độc quyền "thất vọng về kết quả này do việc sáp nhập này đặt ra mối đe dọa rõ ràng đối với tính cạnh tranh trong trò chơi trên đám mây và dịch vụ đăng ký”. Ông cũng tuyên bố trong những ngày tới, FTC “sẽ công bố bước tiếp theo để tiếp tục cuộc chiến của mình nhằm duy trì sự cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng”.

Trước đây, để giải quyết những lo ngại phát sinh, Microsoft đã đồng ý cấp phép "Call of Duty" cho các đối thủ, bao gồm cả hợp đồng 10 năm với Nintendo, tùy thuộc vào việc hoàn tất việc sáp nhập. Trong phiên tòa kéo dài 5 ngày vào tháng 6 trước đó, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella lập luận rằng công ty sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm loại bỏ PlayStation của Sony hoặc các đối thủ khác để bán được nhiều máy chơi trò chơi Xbox của mình hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.