Nepal ban bố quốc tang sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc

Máy bay Nepal
12:07 - 16/01/2023
0:00 / 0:00
0:00
Phó thủ tướng Nepal Bishnu Poudel thông báo quốc tang ngày 16/1 để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ máy bay ATR-72 của hãng hàng không Yeti Airline rơi trong lúc chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Pokhara.

Theo Nepal News, chính phủ Nepal quyết định ngừng toàn bộ dịch vụ công, ngoại trừ những dịch vụ khẩn cấp và hoãn tất cả các chương trình đã lên kế hoạch. Cả nước sẽ treo cờ rủ để tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Hãng hàng không Yeti Airlines cũng dừng mọi chuyến bay đã được lên lịch trình vào hôm nay.

Chiếc máy bay ATR-72 cất cánh lúc 10h33 ngày 15/1 từ sân bay thủ đô Kathmandu và gặp nạn khi chỉ còn cách sân bay quốc tế Pokhara, miền trung Nepal vài km.

Khoảnh khắc chiếc máy bay ATR-72 nghiêng 90 độ trước khi rơi xuống. Video: Twitter @aerowanderer

Một video được đăng trên mạng xã hội cho thấy chiếc máy bay ATR-72 đang bay ở độ cao thấp qua một khu dân cư ở Pokhara thì đột ngột nghiêng 90 độ về bên trái. Nhân chứng đã đứng ở sân thượng và quay được khoảnh khắc đó. Chiếc máy bay sau đó biến mất khỏi khung hình, sau đó là một tiếng nổ lớn ở cuối video.

"Một nửa máy bay nằm trên sườn đồi. Nửa còn lại đã rơi xuống vực của sông Seti", ông Arun Tamu, một cư dân địa phương, nói với Reuters rằng ông đã đến hiện trường vài phút sau khi máy bay rơi.

Lực lượng cứu hộ tập trung tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Pokhara. Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ tập trung tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Pokhara. Ảnh: AFP

Trên chiếc máy bay có 4 thành viên phi hành đoàn và 68 hành khách, trong đó có 3 trẻ em và 3 trẻ sơ sinh. Có 15 công dân nước ngoài trên máy bay bao gồm 5 người Ấn Độ, 4 người Nga, 2 người Hàn Quốc, 1 người Australia, 1 người Pháp, 1 người Argentina và 1 người Israel.

Theo Quan chức Ủy ban Điều phối Tìm kiếm và Cứu nạn của Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal (CAAN) xác nhận toàn bộ các nạn nhân đã thiệt mạng. Cho đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 68 thi thể tại hiện trường và cố gắng tìm 4 thi thể còn lại.

Hiện trường đống đổ nát sau vụ tai nạn máy bay. Ảnh: AFP

Hiện trường đống đổ nát sau vụ tai nạn máy bay. Ảnh: AFP

Ít nhất một nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng kêu cứu từ bên trong xác máy bay bốc cháy, theo AP. Tuy nhiên, nỗ lực của lực lượng cứu hộ bị cản trở bởi khói dày và lửa cháy dữ dội.

"Ngọn lửa nóng đến nỗi chúng tôi không thể đến gần đống đổ nát. Tôi nghe thấy tiếng một người đàn ông kêu cứu nhưng vì ngọn lửa và khói nên chúng tôi không thể giúp anh ta", ông Bishnu Tiwari, một cư dân địa phương, cho biết.

Mảnh vỡ máy bay lộ ra sau khi ngọn lửa được dập tắt. Ảnh: EPA-EFE

Mảnh vỡ máy bay lộ ra sau khi ngọn lửa được dập tắt. Ảnh: EPA-EFE

Lính cứu hỏa đã khiêng các thi thể, một số bị cháy không thể nhận dạng, đến các bệnh viện - nơi các gia đình nạn nhân chờ đợi. Bộ Nội vụ Nepal đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tạo điều kiện hỗ trợ gia đình các nạn nhân vụ tai nạn máy bay Pokhara nhận dạng, xét nghiệm ADN và bảo quản thi thể.

Người nhà các nạn nhân bật khóc khi chờ đợi thông tin cứu hộ. Ảnh: AP

Người nhà các nạn nhân bật khóc khi chờ đợi thông tin cứu hộ. Ảnh: AP

Bộ trưởng Tài chính Nepal Bishnu Paudel cho biết, chính phủ nước này thành lập một ủy ban điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và dự kiến ​​sẽ báo cáo kết quả trong vòng 45 ngày.

Trang web theo dõi chuyến bay FlightRadar24 cho biết, chiếc máy bay gặp nạn ATR-72 đã 15 tuổi và "được trang bị một bộ phát đáp cũ với dữ liệu không đáng tin cậy". Trước đây, chiếc máy bay này được hãng Kingfisher Airlines của Ấn Độ và Nok Air của Thái Lan sử dụng, trước khi hãng hàng không Yeti Airlines tiếp quản vào năm 2019, theo hồ sơ trên Airfleets.

Vụ tai nạn máy bay ngày 15/1 được coi thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất tại Nepal kể từ năm 1992, khi máy bay Airbus A300 của Hãng hàng không quốc tế Pakistan bị rơi trong lúc hạ cánh xuống sân bay Kathmandu, khiến toàn bộ 167 người trên máy bay thiệt mạng.

Kể từ năm 2000 đến nay, gần 350 người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay hoặc trực thăng ở Nepal – quốc gia có 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm cả đỉnh Everest.

Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các hãng hàng không của Nepal vào không phận của họ từ năm 2013, với lý do lo ngại về an toàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.