Nga sẽ đáp trả 'nhanh như chớp' các mối đe dọa chiến lược

chiến sự Nga - Ukraine
07:03 - 28/04/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, nước này sẽ không ngần ngại sử dụng các vũ khí tiên tiến nhất, để tự vệ trước mọi mối đe dọa chiến lược do các lực lượng bên ngoài can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine.

“Nếu ai đó quyết định can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra [tại Ukraine] từ bên ngoài và tạo ra các mối đe dọa chiến lược không thể chấp nhận được đối với chúng tôi, thì họ nên biết rằng phản ứng của chúng ta đối với những đòn tấn công sắp tới sẽ nhanh như chớp", RT dẫn lời phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin trước các nhà lập pháp hôm 27/4.

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi có tất cả các công cụ để làm điều này. Công cụ mà không ai ngoại trừ chúng tôi có thể có. Nhưng chúng tôi sẽ không khoe khoang, chỉ sử dụng chúng nếu có nhu cầu”.

Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cho biết, các nhà chức trách đã đưa ra tất cả các quyết định cần thiết để chuẩn bị cho phản ứng như vậy. Tuy nhiên, ông không nói rõ công cụ nào có thể được triển khai.

Một tên lửa Nga ở Rubizhne thuộc vùng Luhansk, Ukraine, ngày 27/4. Ảnh: Reuters
Một tên lửa Nga ở Rubizhne thuộc vùng Luhansk, Ukraine, ngày 27/4. Ảnh: Reuters

Tuần trước, Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat tối tân của mình. Loại vũ khí mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này có thể mang theo một số đầu đạn siêu thanh Avangard, được cho là có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không nào hiện có do tốc độ cực cao và khả năng cơ động liên tục trong suốt hành trình bay.

Ngay từ khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, các nước phương Tây đã tích cực cung cấp vũ khí cho Kiev, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không, xe bọc thép và pháo. Các nước này cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm làm giảm khả năng của Nga trong việc tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các khẩu pháo khi được đưa lên máy bay của không quân Mỹ tại California ngày 22/4, để chuyển đến Ukraine. Ảnh: CNN
Các khẩu pháo khi được đưa lên máy bay của không quân Mỹ tại California ngày 22/4, để chuyển đến Ukraine. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn loại trừ việc NATO khởi động kế hoạch can dự trên bộ hoặc áp đặt khu vực cấm bay trên Ukraine, vì lo ngại về một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Moscow đã nhiều lần chỉ trích việc cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, nói rằng chúng chỉ khiến tình hình xấu đi và cản trở triển vọng hòa bình. Nước này cũng từng cảnh báo các lô viện trợ của nước ngoài vào Kiev sẽ trở thành "mục tiêu hợp pháp" của các lực lượng Nga. Ngày 26/4, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cáo buộc NATO như đang "gây chiến với Nga thông qua việc sử dụng một lực lượng ủy nhiệm và trang bị cho lực lượng đó".

Ngày 24/2, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine mà theo Moscow là nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa". Theo Nga, Ukraine đã không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk (được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014) và không đồng ý với công nhận của Moscow đối với khu vực ly khai Donbass (gồm hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk).

Điện Kremlin yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Tuy nhiên, Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại Donbass bằng vũ lực.

Nga tấn công một kho chứa vũ khí do Mỹ, châu Âu viện trợ: CNBC đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/4 tuyên bố đã tấn công một kho vũ khí, nơi chứa “một lô lớn vũ khí và đạn dược của nước ngoài do Mỹ và các nước châu Âu cung cấp cho quân đội Ukraine”.

Tuyên bố cho biết, tên lửa Kalibr tầm xa, có độ chính xác cao trên biển đã bắn trúng kho chứa ở khu vực Zaporizhzhia. Nga cũng thông báo lực lượng không quân của họ đã phá hủy 59 cơ sở quân sự của Ukraine chỉ trong một đêm, trong đó có 4 kho chứa vũ khí và đạn dược khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cơ sở sản xuất vũ khí Javelin: Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tới bang Alabama vào tuần tới để thăm một cơ sở của Lockheed Martin, chuyên sản xuất các hệ thống vũ khí như tên lửa chống tăng Javelin.

Cho đến nay, Mỹ đã chuyển giao gần 6.000 chiếc Javelin do hai công ty quốc phòng Lockheed Martin và Raytheon đồng sản xuất cho chính phủ Ukraine. Nước này đã cung cấp tổng cộng 3,4 tỷ USD vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.

Gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 800 triệu USD, là đợt viện trợ thứ 8, được đưa ra sau 8 tuần giao tranh và khi các lực lượng Nga chuẩn bị cho một cuộc chiến mới ở phía đông và phía nam Ukraine.

Hungary xác nhận sẽ thanh toán năng lượng của Nga bằng đồng Ruble: Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó xác nhận với CNN rằng nước này sẽ sử dụng kế hoạch thanh toán do Moscow đưa ra để thanh toán các đơn hàng dầu và khí đốt.

“85% nguồn cung cấp khí đốt của chúng tôi đến từ Nga và 65% nguồn cung cấp dầu của chúng tôi đến từ Nga. Điều này không phải để mua vui, chúng tôi đã không có lựa chọn khác cho tình huống này", ông Szijjártó nói và cho biết thêm rằng nước này không có nguồn cung hoặc lộ trình thay thế nào để có thể ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga trong vài năm tới.

Theo kế hoạch thanh toán của Nga, các nhà nhập khẩu năng lượng phải mở hai tài khoản ngân hàng với Gazprombank - một tài khoản ngoại tệ và một tài khoản Ruble. Tiền bán hàng được thanh toán bằng ngoại tệ (USD hoặc Euro), sau đó được Gazprombank chuyển đổi vào tài khoản đồng Ruble

Tổng thư ký Liên hợp quốc đến Kiev sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin: Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đến Ukraine sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Moscow.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình để mở rộng hỗ trợ nhân đạo và đảm bảo việc sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột. Cuộc chiến này kết thúc càng sớm thì càng tốt - vì lợi ích của Ukraine, Nga và thế giới", ông viết trong một tweet ngày 27/4.

Nga trục xuất các nhà ngoại giao Nhật Bản, Na Uy: Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ sẽ trục xuất 8 nhà ngoại giao Nhật Bản và 3 nhà ngoại giao Na Uy trong một động thái đáp trả các lệnh trừng phạt Moscow. Trước đó, Nhật Bản ra quyết định trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga và Na Uy cũng có động thái tương tự với một số quan chức Nga.

Tin liên quan

Đọc tiếp