Nhiều nền kinh tế gồng gánh khoản nợ giữa xung đột Nga - Ukraine

Nợ THẾ GIỚI
15:25 - 20/04/2022
Nhiều nước nghèo đang đối mặt với rủi ro vỡ nợ, trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn cầu. Ảnh: Reuters
Nhiều nước nghèo đang đối mặt với rủi ro vỡ nợ, trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn cầu. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Chiến sự tại Ukraine đang khiến nhiều chính phủ gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Điều này làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng tiềm tàng có thể gây chấn động các thị trường và làm suy yếu đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo Wall Street Journal, nhiều quốc gia đang phát triển như ngồi trên núi nợ trong suốt thập niên qua do tình trạng lạm phát và lãi suất thấp. Đặc biệt là trong hai năm vừa rồi, các nước này càng tăng vay nợ vì cần nguồn tài chính để trang trải cho các chi phí của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến giá lương thực, năng lượng và các hàng hóa khác tăng vọt. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng đang nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Từ Pakistan, Ai Cập cho đến Argentina, các chính phủ đang phải xoay xở ứng phó chi phí nhập khẩu cao và những khoản trả nợ giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.

Mọi người xếp hàng chờ mua xăng tại một trạm xăng Ceylon Ceypetco ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Reuters
Mọi người xếp hàng chờ mua xăng tại một trạm xăng Ceylon Ceypetco ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Reuters

Ngày 12/4, chính phủ Sri Lanka thông báo sẽ tạm dừng trả nợ nước ngoài và yêu cầu gói cứu trợ tài chính khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết, chiến sự tại Ukraine và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã giáng mạnh vào ngành du lịch, khiến nước này mất khả năng thanh toán các khoản vay.

Ông Kenneth Rogoff, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard, nhận định rằng: “Sẽ có những vụ vỡ nợ, những cuộc khủng hoảng. Khi chúng ta gặp phải những cú sốc như thế này, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”.

Theo bà Ceyla Pazarbasioglu, Giám đốc bộ phận chiến lược, chính sách và đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), mặc dù tổ chức này không dự báo về một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu xảy ra thời điểm này, nhưng cũng thừa nhận lo ngại về “rất nhiều rủi ro”.

Bà cho biết, việc xác định phương hướng mở rộng và đẩy nhanh cơ chế giải quyết nợ cho các nước đang phát triển sẽ là ưu tiên của nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới (G20) tại Hội nghị Mùa xuân giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) khai mạc ngày 18/4 tại Washington, Mỹ. Ngoài ra, vị quan chức này cũng cảnh báo, tổng vay nợ của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình trên thế giới đã tăng 28 điểm phần trăm lên 256% GDP toàn cầu trong năm 2020. Đây là mức chưa từng thấy kể từ sau hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX.

Rủi ro vỡ nợ đe dọa các quốc gia thu nhập thấp

Các nước giàu thường ít gặp khó khăn trong việc đối phó với các khoản nợ, nhờ lãi suất vẫn ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế vững chắc. Trong khi đó, còn nhiều nền kinh tế đang phát triển phải chịu những áp lực lớn hơn.

Theo IMF, khoảng 60% quốc gia có thu nhập thấp, được xác định là khoảng 70 nước đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình đình chỉ thanh toán nợ toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, có nguy cơ vỡ nợ cao hoặc đã rơi vào tình trạng này vào năm 2020, tăng so với mức 30% vào năm 2015.

Sri Lanka đang thiếu thốn các mặt hàng cơ bản như thuốc men, xăng dầu. Ảnh: Insider

Sri Lanka đang thiếu thốn các mặt hàng cơ bản như thuốc men, xăng dầu. Ảnh: Insider

Tỷ lệ vay nợ từ Trung Quốc trong tổng nợ nước ngoài của 73 quốc gia có mức nợ nần lớn đã tăng từ 2% năm 2006 lên 18% vào năm 2020, trong khi tỷ lệ vay từ khu vực tư nhân tăng lên 11% từ mức 3%. Trong khi đó, tỷ lệ vay nợ của họ từ các tổ chức truyền thống như IMF và WB cũng như những chủ nợ giàu có thuộc “Câu lạc bộ Paris” (phần lớn là chính phủ phương Tây), đã giảm từ 83% xuống còn 58%.

Hai trong số những ví dụ điển hình về rủi ro mà các nước đang phát triển phải đối mặt là Sri Lanka và Pakistan. Cả hai quốc gia này đều sa lầy vào vào các cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng gia tăng sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ. Theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương, các nhà phân tích và IMF, dự trữ ngoại hối của hai nước giảm sâu đến mức chỉ còn đủ chi trả cho hàng hóa nhập khẩu thiết yếu thêm 1-2 tháng.

Suy thoái kinh tế khiến Sri Lanka rơi vào khủng hoảng chính trị. Ảnh: Reuters

Suy thoái kinh tế khiến Sri Lanka rơi vào khủng hoảng chính trị. Ảnh: Reuters

Suy thoái kinh tế tại Sri Lanka là nguồn cơn của các cuộc biểu tình chống chính phủ khi người dân vật lộn với mức lạm phát kỷ lục, tình trạng mất điện kéo dài và thiếu hụt nghiêm trọng các hàng hóa cơ bản như thuốc men và gas. Lạm phát hàng năm vào tháng 2 tại nước này đã cán mốc 17,5%, theo nhà cung cấp dữ liệu CEIC.

Các khoản nợ công liên quan đến các dự án hạ tầng của Sri Lanka tăng cao trong thập kỷ qua. Năm nay, Sri Lanka phải thanh toán tổng cộng là 7 tỷ USD, bao gồm 1 tỷ USD trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng 7, trong khi dự trữ ngoại hối của đất nước chỉ còn 2,3 tỷ USD.

Đối với Pakistan, chương trình hỗ trợ mà IMF dành cho nước này đang bị tạm dừng hồi tháng 2 sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan công bố kế hoạch trợ cấp giá điện và nhiên liệu trị giá 1,5 tỷ USD dù chưa được tổ chức này chấp thuận. Hôm 9/4, ông bị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm để phế truất chức vụ do điều hành kinh tế yếu kém.

CEIC cho biết, lạm phát tháng 3 của Pakistan tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings, Pakistan có khoản nợ nước ngoài lên tới 20 tỷ USD đến hạn thanh toán trong năm tài chính 2023.

Chật vật vượt lạm phát bằng các gói cứu trợ

Chính phủ mới của Pakistan gần đây đang tìm cách quay trở lại bàn đàm phán với IMF để tìm kiếm khoản vay mới 3 tỷ USD. Động thái của nước này nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tài chính có thể diễn ra trong vài tháng tới.

Trong khi đó, ngành du lịch của Ai Cập cũng đang chật vật do đại dịch Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, mức lạm phát tăng cao và đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra khiến nền kinh tế này đứng trước báo động. Trong tháng 3, Ngân hàng trung ương Ai Cập đã hạ giá 14% đồng nội tệ để mở đường cho chương trình giải cứu từ IMF.

Giá bánh mì và các loại thực phẩm tại Ai Cập tăng vọt do ảnh hưởng từ chiến sự giữa Nga và Ukraine. Ảnh: AFP
Giá bánh mì và các loại thực phẩm tại Ai Cập tăng vọt do ảnh hưởng từ chiến sự giữa Nga và Ukraine. Ảnh: AFP

“Cuộc chiến ở Ukraine giống như một giọt nước tràn ly. Ai Cập cần phá giá đồng nội tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh ở thị trường quốc tế và có thể xuất khẩu nhiều hơn”, ông James Swanston, nhà phân tích thị trường mới nổi tại Công ty tư vấn Capital Economics cho biết.

Từ lâu nay, Ai Cập đã phải đối mặt với những thách thức kinh tế bao gồm tỷ lệ nghèo đói gia tăng, lực lượng lao động suy giảm. Nước này đã vay khoảng 20 tỷ USD từ IMF kể từ năm 2016 (chỉ đứng sau Argentina). Trong năm 2020 và 2021, chính phủ Ai Cập đã chi hơn 40% nguồn thu ngân sách hàng năm để trả nợ. Việc này dự kiến sẽ tiếp tục ​​duy trì trong năm 2022.

Ngay sau động thái phá giá đồng nội tệ của Ai Cập, các quốc gia Vùng Vịnh đã cam kết bơm 22 tỷ USD vào nước này, trong khi Liên minh châu Âu viện trợ thêm 100 triệu Euro để chống lại giá lương thực tăng cao do cuộc chiến ở Ukraine. Theo các nhà kinh tế, Ai Cập có khả năng tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ IMF.

Tunisia, một nền kinh tế khác, cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ IMF. Trong những ngày gần gần đây, các kệ hàng tạp hóa ở nước này không còn đường, bột mì và các nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng, trong khi chính phủ đang trì hoãn trả lương cho công chức.

Tháng trước, Tunisia đã nhận được khoản vay 400 triệu USD từ WB và hy vọng sẽ được IMF “cứu cánh”.

Ông Roberto Sifon-Arevalo, Giám đốc phân tích về xếp hạng nợ công của các quốc gia tại S&P Global Ratings, nhận xét: “Chúng ta đang chứng kiến hầu hết các quốc gia hiện nay đều nợ nhiều hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Liệu có phải một cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra không? Điều này không chắc chắn, nhưng thực tế có nhiều nền kinh tế đang rơi vào tình thế khó khăn vì nợ nần”.

Tin liên quan

Đọc tiếp