‘Số hóa phải thuận lợi cho cả người nông dân dùng điện thoại vài trăm nghìn’

số hóa NÔNG NGHIỆP
12:17 - 28/02/2023
Truy xuất nguồn gốc giúp nông sản gia tăng giá trị tiêu thụ. Ảnh: Nextfarm.
Truy xuất nguồn gốc giúp nông sản gia tăng giá trị tiêu thụ. Ảnh: Nextfarm.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp tới hàng nghìn hộ nông dân của chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực nêu ra tại Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”, sáng 28/2.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc CTCP Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm là điều kiện vô cùng quan trọng và cực kỳ hữu ích đối với người sản xuất cũng như cung ứng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu của mình, quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp.

"Ví dụ của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở Bình Phước mà tôi mới vận động thành lập, họ ứng dụng các công nghệ số, công nghệ truy xuất nguồn gốc rất nhanh. Kết quả, vườn sầu riêng của hợp tác xã ấy là một trong những cơ sở tiêu biểu khi phía Trung Quốc giám sát vấn đề thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc vùng trồng", Giám đốc CTCP AutoAgri chia sẻ.

Để ứng dụng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc thì nền tảng ứng dụng phải linh hoạt. Bà Thực phân tích, không thể đưa nền tảng đồng nhất ứng dụng cho tất cả mọi nơi được. Điển hình, trong quá trình làm hồ sơ về mã số vùng trồng, thì khoảng 70 – 80% là sao chép của người nọ sang người kia.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, có những thứ phải chấp nhận thẳng thắn, nói thật với nhau để khi làm có được kết quả đúng nghĩa. Bà dẫn lời một hộ dân từng chia sẻ để làm rõ vấn đề này: “Chúng tôi không dùng hoá chất. Tôi dùng những chế phẩm sinh học tự tạo ra trong quá trình sản xuất sản phẩm, thì chúng tôi có được kê vào hồ sơ không hay tôi lại phải copy đúng thông tin của người khác như vậy khi lập hồ sơ truy xuất?”.

Một điểm quan trọng khác mà bà Thực nhắc tới là cần phải có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phải phù hợp với trình độ của người sử dụng.

"Ví dụ như những người dân không biết chữ, không có máy vi tính thì người ta cũng phải tiếp cận được công nghệ. Số hóa phải thuận lợi cho cả những người nông dân chỉ dùng điện thoại 700 – 800.000 đồng, chứ không nhất thiết phải có những điện thoại đắt tiền vài triệu”.

Chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực

Bà Nguyễn Thị Thành Thực cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất phải khiến người nông dân cảm thấy chuyển đổi số là điều gì đó dễ làm, dễ thực hiện, có thể hiện hữu ngay trong hoạt động sản xuất thực tế chứ không chỉ thấy trên các hội thảo, diễn đàn.

Cũng theo vị chuyên gia này, muốn thúc đẩy số hoá trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan Nhà nước cũng cần tạo thành những hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn.

Theo vị chuyên gia này, đó là phần quan trọng số một. Còn đối với người dân và doanh nghiệp, phần mua bán hàng hoá và kế toán thuế hầu hết đều do các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Bởi vì các doanh nghiệp tư nhân về công nghệ số và phần mềm sẽ cập nhật nhanh hơn và hiểu rõ hơn nhu cầu thực tế của thị trường.

"Cho nên nếu cơ quan Nhà nước không sẵn sàng mở hướng để các doanh nghiệp tư nhân tham gia trong lĩnh vực số hoá thì tôi khẳng định quá trình này sẽ rất lâu, rất trễ và rất xa so với thực tế", bà Nguyễn Thị Thành Thực nêu vấn đề.

Đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Thành Thực, ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á Tập đoàn Tentamus cho rằng, truy xuất nguồn gốc không chỉ là quản lý trong chuỗi cung ứng, mà còn cung cấp thêm thông tin cho nông dân nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của từng nhà nhập khẩu hay thị hiếu của người tiêu dùng.

“Tập đoàn Tentamus đang cung cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc MRL kết nối giữa các bên từ nông dân cho tới nhà nhập khẩu, dễ dàng sử dụng, đem lại nguồn thông tin lớn về các yêu cầu từ các thị trường tới nhà sản xuất, hợp tác xã và nông dân”, ông Vinh thông tin.

Kiến nghị kết nối với cổng Truy xuất nguồn gốc quốc gia

Trước chia sẻ của chuyên gia, doanh nghiệp về mong muốn thúc đẩy hiện thực hóa chuyển đổi số nông nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã giới thiệu về Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh minh họa.

Truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh minh họa.

Hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc; Hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về truy xuất nguồn gốc dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà Nước và doanh nghiệp; Tính năng cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh/thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

“Để hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Bộ NN&PTNT hoạt động thực sự hiệu quả, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng Truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Do đó, chúng tôi kiến nghị, Hệ thống Truy xuất nguồn gốc nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung”, ông Nam kiến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.