Sri Lanka nguy cơ đối mặt nạn đói khi giá lương thực tăng vọt

Khủng hoảng Sri Lanka
18:00 - 18/07/2022
Ông Milton Pereira và gia đình là một trong số rất nhiều người Sri Lanka không đủ khả năng mua đủ thực phẩm. Ảnh: AFP
Ông Milton Pereira và gia đình là một trong số rất nhiều người Sri Lanka không đủ khả năng mua đủ thực phẩm. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc khủng hoảng kép tại quốc gia Nam Á Sri Lanka đang khiến đời sống của người dân nước này trở nên khó khăn hơn. Lạm phát tiếp tục tăng vọt, trong khi người dân tham gia các cuộc biểu tình và đình trệ hoạt động sản xuất và trồng trọt. 

Tóc chải gọn gàng nhưng má hóp và nổi rõ những đường gân trên khuôn mặt gầy guộc, cũng giống như nhiều người dân Sri Lanka khác, ông Milton Pereira và gia đình sinh sống ở đảo Slave, một vùng đất nghèo của thủ đô Colombo, đã không còn đủ tiền để mua thực phẩm, theo AFP.

“Rất khó để sống tiếp. Ngay cả một ổ bánh mì lúc này cũng trở nên đắt đỏ. Ăn bữa này thì phải bỏ bữa khác", ông Pereira chia sẻ.

Với 6 người con trong gia đình, người đàn ông 74 tuổi này cho biết những gì tốt nhất mà họ có thể mua được trong những tuần gần đây là cá và phải cắt thành từng miếng nhỏ chia cho từng người.

“Vì không có nhiều tiền nên thỉnh thoảng chúng tôi mới cho các con ăn cá. Bình thường thì chúng tôi chỉ ăn với nước thịt", ông cho hay.

Người con trai của ông Peirera cũng mất việc làm trong nhiều tháng nay. Điều này càng tạo ra gánh nặng tài chính cho gia đình ông. "Giá thực phẩm tăng lên mỗi ngày. Sự tăng giá theo cấp số nhân này là điều khủng khiếp nhất mà chúng tôi từng phải đối mặt", ông than thở.

Ông Mohamad Faizal, chủ cửa hàng thực phẩm trên đảo Slave, Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP
Ông Mohamad Faizal, chủ cửa hàng thực phẩm trên đảo Slave, Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP

Tại một cửa hàng rau gần nhà ông Peirera, giá 1kg bầu là 1.000 Rupee (2,79 USD), cao gấp đôi so với 3 tháng trước đó. Chủ cửa hàng là ông Mohamad Faizal cho biết, một số khách hàng của ông hiện chỉ có thể mua 100g bầu mỗi lần.

"Giá cả thì ngày càng tăng vọt. Nhưng lý do chính là chúng tôi không có cách nào để vận chuyển các mặt hàng đó về đây vì không có nhiên liệu", ông Faizal nói.

Không có dự trữ ngoại hối để nhập khẩu và đã vỡ nợ nước ngoài 51 tỷ USD, Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Tính đến tháng 6, lạm phát lương thực ở Sri Lanka đạt 80,1%. Các nhà phân tích chỉ ra, bên cạnh sự tác động của đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng tài chính tại đất nước này trở nên trầm trọng hơn do sự quản lý yếu kém của chính phủ.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), gần 5 triệu người (tương đương 22% dân số) tại quốc gia này cần viện trợ lương thực. Cơ quan này cho biết, cứ 6 gia đình Sri Lanka thì có 5 gia đình bỏ bữa, ăn ít hơn hoặc mua ít thực phẩm hơn.

Chợ đầu mối rau củ New Manning tại Sri Lanka. Nhiều người dân nước này không có khả năng chi trả cho lương thực, thực phẩm. Ảnh: AFP

Chợ đầu mối rau củ New Manning tại Sri Lanka. Nhiều người dân nước này không có khả năng chi trả cho lương thực, thực phẩm. Ảnh: AFP

Tại một số khu vực, khi thực phẩm không thiếu thì vấn đề nổi cộm khác đó là khả năng chi trả. Chợ rau củ đầu mối New Manning tại Sri Lanka hôm 17/7 tấp nập nhật khi người mua, người bán và những người khuân vác hàng hóa chen lấn với những bao tải nông sản. Tuy nhiên, những người bán hàng tại đây cho biết hoạt động kinh doanh đã giảm hơn một nửa kể từ tháng 3.

"Giá của mọi thứ đã tăng hơn gấp đôi. Một số loại rau không bán được sẽ bị lãng phí và nhiều người nghèo đã đến xin mỗi ngày sau khi chợ đóng cửa", ông M.M. Mufeed, một người bán buôn rau củ tại chợ cho biết.

Người đàn ông này nói thêm rằng, doanh thu từ việc bán hàng tại chợ đã giảm 70% và nhiều lúc ông phải bán hàng cho người nghèo với giá thấp hơn để tránh lãng phí thực phẩm và vớt vát chút vốn.

Nhiều người dân đã tự trồng rau để nuôi gia đình. Ảnh: AFP

Nhiều người dân đã tự trồng rau để nuôi gia đình. Ảnh: AFP

Nhiều người dân Sri Lanka đã mất công đi từ những khu vực rất xa đến chợ New Manning vào sáng sớm chỉ để mua một ít rau. "Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi bộ 10km đến khu chợ này vì thực phẩm ở đây rẻ hơn so với các cửa hàng bán lẻ gần nhà", bà Howzy, 50 tuổi, cho biết.

Trong lúc này, phong trào biểu tình đối chính phủ Sri Lanka vẫn tiếp tục diễn ra. Bên ngoài Phủ tổng thống, nhiều người biểu tình đã dựng lều để ăn nghỉ tại đây. Trong số đó, cựu nhân viên chính phủ Theodore Rajapakse đang dạy người dân cách trồng rau ngắn ngày trên những mảnh đất nhỏ gần lều của họ. Ông cho biết đã chỉ cách trồng rau cho khoảng 3.00 người biểu tình.

Ông Theodore Rajapakse đang chăm sóc vườn rau tại địa điểm biểu tình Galle Face ở thủ đô Colombo, ngày 17/7. Ảnh: AFP

Ông Theodore Rajapakse đang chăm sóc vườn rau tại địa điểm biểu tình Galle Face ở thủ đô Colombo, ngày 17/7. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, triển vọng cải thiện tình trạng thiếu thốn thực phẩm tại Sri Lanka vẫn còn hạn chế. Người biểu tình đã lật đổ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, nhưng không có cái nhìn thiện cảm với Thủ tướng kiêm Tổng thống lâm thời Ranil Wickremesinghe. Chính phủ nước này sẽ có cuộc bầu cử mới để tìm người lãnh đạo đất nước vượt qua khủng hoảng.

“Ông Gotabaya đã ra đi, nhưng không có một ứng cử viên sáng giá nào có thể dẫn dắt chúng tôi thoát khỏi tình trạng tồi tệ này. Các chính trị gia đang bị chia rẽ. Vì vậy, chính phủ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tôi không thể biết điều gì có thể xảy ra tiếp theo", ông Pereira bi quan.

Tin liên quan

Đọc tiếp