Thêm Croatia không muốn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

Quân sự NATO
08:57 - 19/05/2022
Tổng thống Croatia Zoran Milanovic lên tiếng phản đối việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO. Ảnh: EPA-EFE
Tổng thống Croatia Zoran Milanovic lên tiếng phản đối việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO. Ảnh: EPA-EFE
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Croatia Zoran Milanovic ngày 18/5 cho biết, ông có kế hoạch chỉ thị cho Đại sứ Mario Nobilo, đại diện thường trực của nước này tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này.

RT đưa tin, Tổng thống Zoran Milanovic nói với các phóng viên rằng việc Croatia từ chối cho hai nước trên gia nhập NATO sẽ khiến dư luận quốc tế chú ý tới vấn đề mà người Croatia ở các nước láng giềng Bosnia và Herzegovina đang phải đối mặt. Theo luật bầu cử hiện hành, các đại diện của Croatia có xu hướng được bầu nhờ số phiếu của người Hồi giáo Bosnia, còn được gọi là Bosniak. Croatia đang thúc đẩy sửa đổi điều này.

“Tôi đã từng nói rằng người Croatia ở Bosnia đối với tôi quan trọng hơn toàn bộ vấn đề biên giới Nga - Phần Lan”, ông Milanovic nói.

Phần Lan và Thụy Điển chính thức kết thúc lịch sử trung lập khi ra quyết định vào ngày 15/5 và nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5. Tuy nhiên, việc chấp nhận các nước mới vào khối này cần có sự nhất trí cao của tất cả các thành viên NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cầm hai đơn xin gia nhập thành viên của Thụy Điển và Phần Lan tại Brussels, Bỉ, ngày 18/5. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cầm hai đơn xin gia nhập thành viên của Thụy Điển và Phần Lan tại Brussels, Bỉ, ngày 18/5. Ảnh: Reuters

Ông Milanovic nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã "chỉ ra cách đấu tranh vì lợi ích quốc gia" bằng việc phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ankara đã phản đối bất kỳ thỏa thuận nào nhằm kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO cho đến khi họ từ bỏ hỗ trợ các lực lượng liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

“Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không thay đổi quyết định trước khi đạt được điều mình muốn”, Tổng thống Croatia lưu ý.

Theo hãng tin địa phương N1, những bình luận mới nhất của ông Milanovic đã gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ của ông với Chính phủ của Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic, người mà ông cáo buộc đã không bảo vệ lợi ích của Croatia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Croatia Gordan Grlic-Radman thông báo với Đài phát thanh nhà nước rằng Đại sứ Nobilo đã được yêu cầu "chấp thuận đơn đăng ký thành viên của Phần Lan, Thụy Điển" và "sẽ được ủy quyền để ký một nghị định thư trong vài ngày tới".

"Quốc hội Croatia hoàn toàn chắc chắn sẽ phê chuẩn thỏa thuận", ông Grlic-Radman nói thêm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải) bắt tay trong buổi lễ chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại Brussels, Bỉ, 18/5. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff (phải) bắt tay trong buổi lễ chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại Brussels, Bỉ, 18/5. Ảnh: Reuters

Để chính thức trở thành thành viên của NATO, Phần Lan và Thụy Điển sẽ trải qua quá trình quá trình chờ quốc hội của tất cả 30 đồng minh xem xét tiêu chí và phê chuẩn đơn xin gia nhập liên minh. Điều này có thể mất tới một năm, ngay cả khi hai quốc gia này được cho là đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí thành viên của khối.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán về đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan có thể kết thúc trong vòng một hoặc 2 tuần. Tuy nhiên, sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều người hoài nghi tính khả thi của điều này. Điều này cũng tạo tiền đề cho căng thẳng ngoại giao giữa các nước thành viên NATO.

Theo Washington Post, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày xác nhận nước này đã chặn tiến trình đàm phán về việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, song nhấn mạnh Ankara không chặn triển vọng gia nhập liên minh của hai nước Bắc Âu. Hiện cả NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển cũng chưa chính thức lên tiếng về thông tin này.

Trước khi nộp đơn xin gia nhập NATO, Phần Lan duy trì tôn chỉ không liên kết từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Thụy Điển cũng tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.

Điện Kremlin hiện chưa có động thái phản ứng về sự việc này. Trước đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 14/5, thông báo ý định gia nhập khối NATO.

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga đã cảnh báo người đồng cấp Phần Lan rằng quan hệ giữa hai nước có thể bị "ảnh hưởng tiêu cực" nếu Phần Lan thực hiện kế hoạch xin gia nhập NATO. Tổng thống Putin cũng cho rằng, việc Phần Lan từ bỏ “chính sách truyền thống về trung lập quân sự sẽ là một sai lầm vì không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Moscow sẽ quan sát cách NATO sử dụng lãnh thổ hai nước Bắc Âu để có kết luận cuối cùng.

Tin liên quan

Đọc tiếp