Tìm mô hình rau an toàn để gây dựng niềm tin cho người tiêu dùng

NÔNG NGHIỆP Hữu cơ
12:02 - 20/07/2023
Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng từ thị trường rau sạch. Ảnh minh họa.
Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng từ thị trường rau sạch. Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường rau sạch còn mơ hồ với người tiêu dùng về cả tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, thậm chí người được chứng nhận Vietgap cũng không tin tưởng tuyệt đối sản phẩm của mình là an toàn.

Trong khuôn khổ nghiên cứu “Phát triển lộ trình tác động các can thiệp dinh dưỡng – NIFAM”, tại buổi thảo luận “Xác định các mô hình can thiệp nâng cao khả năng tiếp cận rau an toàn cho người tiêu dùng Hà Nội” do Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) tổ chức ngày 19-20/7, TS. Cory Whitney, Đại học Bonn (Đức), chuyên gia nghiên cứu cho biết, nghiên cứu NIFAM đang trong quá trình thu thập thông tin để tìm giải pháp trồng rau an toàn hiện nay.

Mục tiêu của nghiên cứu là dựa trên kiến thức của các chuyên gia và kinh nghiệm của nông dân địa phương để áp dụng xây dựng mô hình thí điểm can thiệp dinh dưỡng trong làm nông nghiệp hữu cơ.

"Những ý kiến tại buổi thảo luận sẽ được NIFAM áp dụng xây dựng với các giải pháp thí điểm trong 2 năm. Mô hình NIFAM giúp dự báo và giám sát can thiệp dinh dưỡng giúp xã hội phát triển hơn. Để đưa ra những quyết định này còn cần sự vào cuộc của các nhà tạo lập chính sách, các chuyên gia”.

TS. Cory Whitney, Đại học Bonn (Đức)

Theo chuyên gia Cory Whitney, mô hình này được dự báo cho áp dụng thực tế đến năm 2025, gồm đánh giá về tính rủi ro, tính khả thi, chi phí, nguồn lực khi áp dụng và cả yếu tố niềm tin.

“Dự án sẽ dựa trên sự hiểu biết của chuyên gia, kinh nghiệm của nông dân địa phương để xây dựng những mô hình can thiệp dinh dưỡng hiệu quả và dự báo trước được cho 5-10 năm sau”, TS. Cory Whitney nói.

Đóng góp ý kiến cho nghiên cứu NIFAM từ góc nhìn của người tiêu dùng, bà Nguyễn Thu Uyên, 56 tuổi tại Hà Nội phản ánh thực tế, chi phí bỏ ra mua thực phẩm sạch mang chứng nhận Vietgap hay hữu cơ dù đắt hơn các loại sản phẩm đại trà nhưng chất lượng nhận được lại không như kỳ vọng.

“Đơn cử như khi tôi mua rau ngót hữu cơ chứng nhận Vietgap, ăn lại không cảm thấy vị ngon ngọt như rau các cụ trồng ngày xưa”, bà Uyên chia sẻ. Bên cạnh đó, bà cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng để tin tưởng được đây là thực phẩm sạch, hữu cơ tuyệt đối cũng rất mơ hồ.

Mơ hồ niềm tin "Vietgap"

Từ chia sẻ của một người tiêu dùng thực tế như trên, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch CTCP Chứng nhận và Giám định VinaCert đồng thời là đơn vị cung cấp, phân phối rau sạch cho rằng, rau được chứng nhận Vietgap "cũng không hẳn hoàn toàn là rau an toàn". Bởi mục tiêu của Bộ NN&PTNT khi xây dựng chứng nhận Vietgap là để người dân làm quen được với các các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam, bao gồm những nguyên tắc, trình tự trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế.

"Chính tôi cũng không tin rau của tôi được chứng nhận Vietgap là rau đảm bảo an toàn thực phẩm 100%. Bởi một năm Bộ NN&PTNT xuống kiểm tra khảo sát một lần thì không đủ kiểm soát được chất lượng rau đối với sản phẩm được chứng nhận Vietgap”, ông Dũng thẳng thắn chia sẻ.

Hình thành mô hình rau an toàn đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Hình thành mô hình rau an toàn đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Trước bài toán khó mà người tiêu dùng đặt ra, đại diện cho nhóm các nhà sản xuất tham gia thảo luận, Phạm Thị Mỹ Hạnh, Viện An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng thuộc CTCP Chứng nhận và Giám định VinaCert cho rằng, điều quan trọng nhất mà người sản xuất cần làm được là đảm bảo sản lượng, chất lượng sản phẩm, giá thành sản xuất và khâu truy xuất nguồn gốc.

“Tuy nhiên, người sản xuất chỉ có thể đảm bảo được giá thành sản xuất nhưng không thể đảm bảo giá thành thị trường. Sản phẩm được sản xuất ra còn phụ thuộc vào quy trình bảo quản, vận chuyển, phân phối và truyền thông. Đặc biệt là các chính sách của hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước”, bà Hạnh nêu vấn đề.

Nêu thêm tiếng nói của người sản xuất, bà Thanh Hà, đại diện Hợp tác xã Thanh Hà (Hà Nội) - đơn vị chuyên sản xuất rau sạch cho biết, trước tiên, các hợp tác xã rất quan tâm nhu cầu người tiêu dùng đang cần gì. Sau đó, đơn vị sản xuất sẽ tìm cách làm ra các sản phẩm có chất lượng đảm bảo và tối ưu hóa chi phí đến mức tối thiểu để phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.

“Phát triển lộ trình tác động các can thiệp dinh dưỡng – NIFAM” là một nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Bonn với các đối tác Việt Nam là Đại học Y tế Công Cộng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau quả. Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ và Viện Nghiên cứu Chính sách sinh thái xã hội tham gia là đối tác triển khai mô hình can thiệp được xác định nghiên cứu tới người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc tiếp