Tổng thống Ba Lan: 'Châu Âu hưởng lợi khi Nord Stream bị phá hoại'

Nord Stream CHÂU ÂU
08:25 - 09/03/2023
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu là "điều tốt" khi phá vỡ kế hoạch "thống trị" lục địa này về khí đốt của Moscow. 

Trả lời phỏng vấn của CNN hôm 8/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết việc các đường ống Nord Stream bị phá hoại hồi tháng 9/2022 đã chấm dứt sự phụ thuộc của các quốc gia châu Âu vào khí đốt của Nga.

Bình luận của Tổng thống Ba Lan được đưa ra sau khi một số phương tiện truyền thông đưa tin gần đây tiết lộ rằng một nhóm lực lượng cực đoan thân Ukraine có thể đứng sau vụ tấn công vào đường ống. Ông Duda cho biết ông không thể xác nhận thông tin trên, nhưng lưu ý rằng: "Trên thực tế, nếu Nord Stream ngừng tồn tại thì nó cũng có lợi cho châu Âu".

Theo RT, Ba Lan là một trong những đối thủ chính của dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream và thậm chí còn vận động hành lang để dỡ bỏ nó vào tháng 8/2022, khoảng một tháng trước vụ tấn công. Ông Duda cũng gọi dự án này là một phần trong chiến lược xoa dịu của châu Âu trong quan hệ với Nga.

Tổng thống Ba Lan: 'Châu Âu hưởng lợi khi Nord Stream bị phá hoại' ảnh 1

Đám bọt khí nổi trên mặt biển do đường ống Nord Stream 2 bị rò rỉ. Ảnh: Cảnh sát biển Thụy Điển

Trước đó, tờ New York Times đầu tuần này trích dẫn một nguồn tin tình báo của Mỹ cho biết, một nhóm cực đoan thân Ukraine có thể đứng sau vụ tấn công Nord Stream. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức trong chính phủ Ukraine có liên quan đến sự việc này.

Đức cùng ngày cho biết họ đã chú ý đến thông tin của New York Times, nhưng cuộc điều tra vụ phá hoại đường ống vẫn chưa có kết quả. Các điều tra viên Đức cũng xác nhận đã khám xét một con tàu bị nghi vận chuyển thiết bị nổ được dùng trong vụ phá hoại đường ống Nord Stream và cố gắng xác định danh tính, động cơ của nhóm thủ phạm gây ra vụ nổ.

Tuy nhiên, họ chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn, đặc biệt là về việc liệu vụ nổ có phải do chính phủ nào đó ra lệnh thực hiện hay không.

Các đài truyền hình ARD, SWR và tạp chí Die Zeit của Đức đưa tin, các điều tra viên nước này nghi ngờ nhóm phá hoại gồm 5 người đàn ông và một phụ nữ. Họ đã sử dụng hộ chiếu được làm giả một cách chuyên nghiệp để vào Đức và thuê một con thuyền xuất phát từ cảng Rostock của nước này tới nơi gây ra vụ nổ.

Trong khi đó, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, tuyên bố Kiev "hoàn toàn không liên quan" đến các vụ nổ và không có thông tin gì về những gì đã xảy ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng các báo cáo của giới truyền thông cho thấy sự cần thiết phải trả lời các câu hỏi của Moscow về những gì đã xảy ra. Bà cũng nêu hoài nghi về giả thuyết trên, cho rằng đó là thông tin được đưa ra để đánh lạc hướng dư luận, nhằm cản trở cuộc điều tra quốc tế.

Hồi tháng 9/2022, Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện 4 đoạn đường ống rò rỉ trong hai tuyến đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Trong đó, có 2 vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và 2 vị trí còn lại nằm trong EEZ của Đan Mạch.

Thuỵ Điển, Đan Mạch và Đức đã mở các cuộc điều tra riêng biệt để thu thập thông tin và tài liệu riêng về sự cố ở đường ống Nord Stream. Tuy nhiên tới hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ bên nào đưa ra một cái tên chịu trách nhiệm cho vụ nổ trong khi cả Mỹ và NATO đều chỉ gọi việc này là “một hành động phá hoại”.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, các quốc gia phương Tây bao gồm Mỹ đã tố cáo Nga đứng sau các vụ nổ trong khi phía Nga cũng cho rằng Mỹ mới là bên cần chịu trách nhiệm.

Tin liên quan

Đọc tiếp