Triển vọng doanh nghiệp sản xuất thịt và xuất khẩu gạo

Lộc Trời NÔNG NGHIỆP
21:25 - 23/11/2022
Lộc Trời hưởng lợi nhờ xu hướng tăng giá gạo và chênh lệch tỷ giá.
Lộc Trời hưởng lợi nhờ xu hướng tăng giá gạo và chênh lệch tỷ giá.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ giá tăng sẽ có những tác động trái chiều đối với các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi trong khi các nhà sản xuất thịt sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Trong báo cáo ngành nông nghiệp cập nhật ngày 22/11, Chứng khoán VNDirect cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết giảm 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng giảm 6,2%.

BAF (CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam) chủ động cắt giảm doanh thu từ mảng kinh doanh nông sản trong khi MML (CTCP Masan MEATLife) không còn ghi nhận doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi đã góp phần lớn làm sụt giảm tổng doanh thu.

Trong khi đó, tổng lợi nhuận gộp cũng giảm 31% do giá nguyên liệu đầu thức ăn chăn nuôi tăng cao và giá bán lợn thấp hơn. Giá lúa mì, ngô và khô đậu tương đã tăng mạnh, tương ứng 37,9%, 19,8% và 10,7% so với cùng kỳ.

Theo VNDirect, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt trong năm 2023 nhờ: Giá lợn được kỳ vọng sẽ tăng 5% so với 2022 nhờ nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn, do giá heo giảm gần đây và giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.

Đồng thời, giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung; ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này; giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.

Theo quan điểm của VNDirect, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, nhóm phân tích cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023, đồng thời kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thịt trong quý 4/2022 tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái do đây là mùa tiêu thụ cao điểm khi Tết Nguyên đán đến gần.

Giá lợn hơi (đồng/kg, phải) và biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp sản xuất thịt (%, trái).
Giá lợn hơi (đồng/kg, phải) và biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp sản xuất thịt (%, trái).

Trong năm 2023, VNDirect cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ tăng trưởng thu nhập thực tế nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của Chính phủ lên khoảng 20,8% vào năm 2023; lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý 2/2023 và 100% trong quý 4/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống.

Do đó, nhóm phân tích cho rằng các nhà sản xuất thịt sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực trong 2023. Trong đó, dự phóng doanh thu thuần của DBC (Dabaco) và BAF trong năm 2023 sẽ tăng lần lượt 3,5% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đầu vào giảm và giá bán lợn hơi tăng nhẹ, dự phóng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt như DBC, MML, HAG, BAF sẽ cải thiện trong năm 2023.

Vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo

VNDirect kỳ vọng 2023 sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu; nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng do điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam.

Hiện Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nguồn cung trong nước của Philippines đang ở mức thấp do tồn kho cho năm 2023 khá thấp và sản lượng gạo được dự báo sẽ giảm do thiệt hại mùa màng từ hậu quả của cơn bão Noru. Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á (thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh) có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong niên vụ 2022-2023.

Mặt khác, theo USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong giai đoạn 2022/2023. Bên cạnh đó là sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh những tranh chấp địa chính trị gần đây vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong 2023.

Cung - cầu gạo thế giới từ niên vụ 2018-2019 đến niên vụ 2022-2023. Đơn vị: Nghìn tấn
Cung - cầu gạo thế giới từ niên vụ 2018-2019 đến niên vụ 2022-2023. Đơn vị: Nghìn tấn

VNDirect đánh giá, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, LTG (Lộc Trời) được dự báo sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là châu Âu và Trung Quốc.

Còn TAR (CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An) sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng tại Trung Quốc giảm và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do hạn hán. Kinh doanh gạo là mảng kinh doanh chính của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên tới 27% tổng doanh thu xuất khẩu.

Áp lực tỷ giá sẽ ảnh hưởng thế nào?

Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Theo quan điểm của VNDirect, tỷ giá tăng sẽ có những tác động trái chiều đối với các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo và thủy sản có thể hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu ăn, thịt, sữa và đường sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng.

Tuy nhiên nhóm phân tích cho rằng, BAF và HAG sẽ ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá hơn các công ty cùng ngành. BAF có thể được hỗ trợ giá đầu vào từ Tập đoàn Tân Long trong khi HAG có thể tận dụng sản lượng chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ mảng kinh doanh trái cây để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Diễn biến giá cổ phiếu ngành nông nghiệp từ đầu năm 2022.
Diễn biến giá cổ phiếu ngành nông nghiệp từ đầu năm 2022.

Ngược lại, hầu hết các đơn hàng xuất khẩu đều được thanh toán bằng đồng USD, do đó biến động tỷ giá USD sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cải thiện biên lợi nhuận gộp. Đặc thù của ngành gạo là đơn hàng ký kết theo tháng, do đó với những doanh nghiệp đã giao hàng rồi sẽ được lợi khi giá USD tăng.

Tuy nhiên, đối với những đơn hàng chưa giao thì khách hàng sẽ e ngại, vì tránh tác động USD tăng họ sẽ cân nhắc trong việc thu mua lúa gạo ở giai đoạn khác. Bên cạnh đó, nhóm phân tích cũng nhận thấy LTG đang có khoản nợ ngắn hạn 69 triệu USD (chiếm 49,5% tổng nợ ngắn hạn). Do đó, chi phí tài chính của LTG sẽ tăng trong bối cảnh tỷ giá hối đoái tăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp