Trung Quốc vẫn đứng bên ngoài ‘vành đai lạm phát toàn cầu'

KINH TẾ TRUNG QUỐC
17:21 - 10/05/2022
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc chỉ tăng 1,5% trong tháng 3, thấp hơn nhiều so với Mỹ, EU. Ảnh: Xinhua
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc chỉ tăng 1,5% trong tháng 3, thấp hơn nhiều so với Mỹ, EU. Ảnh: Xinhua
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp xu hướng lạm phát toàn cầu tăng phi mã, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn có thể duy trì giá cả ở mức tương đối ổn định. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể áp dụng được kinh nghiệm từ nước này.

Theo Wall Street Journal, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc chỉ tăng 1,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm 2021. Năm ngoái, chỉ số này cũng chỉ tăng 0,9% so với năm 2020. Ngược lại, tỷ lệ lạm phát của Mỹ là 8,5% trong tháng 3 và 7,5% vào năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 1982. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát đạt mức kỷ lục 7,5% vào tháng 4.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, khoảng 71% trong số 109 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã trải qua mức lạm phát từ 5% trở lên năm 2021, cao gấp đôi so với cuối năm 2020.

Cách quốc gia tỷ dân chống đỡ lạm phát cao

Trong tuần này, số liệu mới của tháng 4 đã được các cơ quan Trung Quốc công bố. Theo đó, mặc dù lạm phát của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhẹ, nhưng hầu hết nhà kinh tế tin rằng nó sẽ không vượt qua mục tiêu cả năm 2022 của chính phủ là khoảng 3%.

Một phần nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng – vốn là nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở Mỹ, nhưng hiện rất yếu ở Trung Quốc. Nước này sử dụng các phương pháp bao gồm kiểm soát giá cả và bảo hộ thương mại, để giữ lạm phát nhập khẩu không gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Theo các nhà phân tích, mặc dù những chiến lược đó đã giúp ích cho kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây tốn kém chi phí về dài hạn và khó có thể áp dụng ở các nền kinh tế khác.

Sức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc thấp trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: WSJ

Sức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc thấp trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: WSJ

Bên cạnh đó, Trung Quốc ít chịu ảnh hưởng từ lạm phát do nhu cầu, vì nước này phụ thuộc nhiều vào đầu tư hơn là tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng. Sức tiêu thụ hiện nay của nước này thậm chí còn ít có khả năng ảnh hưởng đến lạm phát hơn so với thời kỳ bình thường trước đại dịch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc Bắc Kinh hạn chế sử dụng biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch như tại Mỹ có thể khiến các hộ gia đình có ít tiền mặt dư thừa để chi tiêu. Nền kinh tế nước này thậm chí đã ở trong tình trạng ảm đạm những tháng qua, sau khi chính quyền tiến hành giám sát ngành công nghệ và bất động sản. Thêm vào đó, các đợt phong tỏa để chống dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh doanh ở nhiều thành phố bị đóng băng.

"Sức tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm trong tương lai", ông Leland Miller, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu China Beige Book International, nhận định.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đối mặt với lạm phát nhập khẩu vì nước này mua một lượng lớn dầu, khí đốt và ngũ cốc từ nước ngoài. Giá của các mặt hàng này đã tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung biến động kể từ sau khủng hoảng Ukraine.

Vai trò của "vùng đệm" và cung ứng nội địa

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc, thước đo lạm phát tại nhà máy, phản ánh phần nào giá mà các nhà sản xuất phải trả cho nguyên liệu thô nhập khẩu. Chỉ số này đã tăng 13,5% trong tháng 10/2021, mức nhanh nhất trong gần 26 năm qua. Mặc dù sau đó con số giảm dần, nhưng vẫn ở mức cao là 8,3% trong tháng 3/2022.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì lượng dự trữ khổng lồ các mặt hàng chiến lược để có thể hạn chế áp lực giá cả. Mùa hè năm ngoái, các nhà chức trách đã bắt đầu giải phóng các kim loại gồm đồng và nhôm từ nguồn dự trữ quốc gia, cũng bơm ra thị trường nguồn cung đậu nành, gạo và lúa mì.

Người dân Trung Quốc xếp hàng quét mã QR tại một địa điểm xét nghiệm PCR. Ảnh: Getty Images
Người dân Trung Quốc xếp hàng quét mã QR tại một địa điểm xét nghiệm PCR. Ảnh: Getty Images

Tháng 12/2021, một quan chức Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này vẫn có đủ lúa mì dự trữ để đáp ứng nhu cầu trong 1,5 năm. Cùng thời điểm, tổ chức Fitch Ratings cho biết, Trung Quốc có đủ gạo để đáp ứng 103% nhu cầu năm.

Bà Isabella Weber, nhà kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), nhận định rằng, Trung Quốc cũng có thể kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống dự trữ quốc gia đóng vai trò "vùng đệm" trước chi phí nhập khẩu cao với các mặt hàng thiết yếu để chúng không ảnh hưởng lập tức đến người tiêu dùng.

Ví dụ, khi giá dầu tăng quá cao, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể gánh một phần mức tăng giá, trợ cấp giá xăng cho các chủ sở hữu phương tiện. "Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến sự ổn định giá cả. Họ đều nhận thức rõ về tầm quan trọng của giá hàng thiết yếu", bà Weber nói.

Ông Chad Bown, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết Trung Quốc cũng sử dụng chính sách thương mại để kiểm soát giá cả. Năm ngoái, nước này hạn chế xuất khẩu thép và tăng thuế xuất khẩu để kiềm chế giá thép trong nước tăng cao. Giá thép tháng 3/2022 của Trung Quốc giảm 12% so với tháng 5/2021 nhờ các chính sách này.

Trong thời gian qua, lạm phát ở Trung Quốc tương đối ổn định. Lần cuối cùng chỉ số này đạt mức cao nhất là 5,9% trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thời điểm chương trình kích thích kinh tế đã đẩy giá bất động sản lên cao. Từ năm 2011 đến 2021, lạm phát trung bình chỉ của nước này chỉ ở mức 2,6%.

Lúc này, câu hỏi lớn nhất đối với Trung Quốc là liệu các chiến thuật quản lý giá cả của họ có thể duy trì trong thời gian dài nếu lạm phát lan rộng trên toàn thế giới hay không. Các vụ phong tỏa gần đây ở Thượng Hải, thành phố 25 triệu dân, đã tạo ra cái nhìn tổng quan về tình hình lạm phát tại Trung Quốc. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa vào thành phố trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, ở một số quốc gia khác cũng dần có xu hướng bảo hộ. Indonesia gần đây đã áp lệnh cấm xuất khẩu đối với dầu cọ. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc, vì quốc gia tỷ dân này hiện phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, khi chi tiêu hộ gia đình cho các loại hàng hóa cũng như các dịch vụ tại nước này còn yếu, chúng vẫn sẽ là yếu tố cản trở lạm phát trong tương lai gần.

Tin liên quan

Đọc tiếp