Ứng dụng in 3D trong sản xuất cơ khí để đón đầu công nghệ thế giới

Công nghiệp Việt nAM
09:11 - 14/10/2022
Tay gắp robot in 3D kim loại. Ảnh: aie.com.vn
Tay gắp robot in 3D kim loại. Ảnh: aie.com.vn
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Hoàng Đức Bằng, giám đốc công ty AIE, việc áp dụng công nghệ in 3D đang phổ biến trên thế giới không chỉ giúp Việt Nam đi tắt đón đầu xu hướng mà còn làm thay đổi tư duy thiết kế trong công nghiệp cơ khí nội địa. 

Tại hội thảo Công nghệ in 3D kim loại: Từ tiềm năng đến hiện thực ứng dụng cho sản xuất chuyên nghiệp tại Việt Nam, ngày 13/10, ông Hoàng Đức Bằng cho biết thêm, trước đây tư duy thiết kế thường bị giới hạn bởi vì công nghệ, vật liệu chế tạo. Theo phương thức truyền thống, người thiết kế cần phải làm ra nhiều khối, nhiều chi tiết và ghép lại thành bộ phận, khiến việc thiết kế, thử nghiệm trở nên phức tạp và khó đánh giá được sản phẩm.

Với công nghệ in 3D mới có khả năng tạo thành khối ngay trong khi chế tạo, khiến số lượng linh kiện cần cho một bộ phận sẽ giảm đi, tiết kiệm thời gian và chi phí để tạo ra sản phẩm. Nói cách khác, công nghệ in 3D giúp thiết kế không còn bị giới hạn bởi vật liệu chế tạo, nên có thể tạo thành tư duy thiết kế mới cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam,

Một lý do khác có thể kể đến là vấn đề tiết kiệm nguyên vật liệu. Với cách làm truyền thống, nguyên vật liệu được tạo ra dạng khối và dùng kỹ thuật cắt gọt bớt đi để tạo được hình dạng cần thiết. Như vậy, lượng kim loại thừa ra trong quá trình này sẽ rất lớn. Nhưng với công nghệ in 3D, linh kiện ngay từ đầu được tạo ra với hình dạng thiết kế sẵn, vừa tiết kiệm được nguyên liệu vừa giảm khối lượng của chi tiết.

Ảnh tác giả

"Điều này rất quan trọng trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ vì trong ngành này, giảm được 1 kg linh kiện trong phương tiện bay là đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ thiết kế chế tạo tới nguyên, nhiên liệu tiêu hao trong quá trình sử dụng."

Ông Hoàng Đức Bằng, giám đốc công ty AIE

Cùng chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Quang Tùng, giám đốc công ty Thingsmart Hà Nội, cho biết hiện công nghệ in 3D đang được ứng dụng nhiều trong các ngành chế tạo ô tô, hàng không, vũ trụ, bởi những ngành này đòi hỏi kỹ thuật chế tạo cao, tạo hình phức tạp. Theo ông, một ví dụ tại Việt Nam là công nghệ in 3D đang được ứng dụng để chế tạo một số linh kiện của các dòng xe Vinfast.

Công nghệ này còn có khả năng tái tạo, mô phỏng lại các linh kiện theo mẫu hoặc thông qua 1 phần linh kiện. Điều này rất có ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam.

Còn trên thế giới hiện nay, các hãng sản xuất linh kiện máy bay, hoặc hãng hàng không đang ứng dụng công nghệ in 3D trong thử nghiệm, đánh giá thông qua việc mô phỏng lại 1 bộ phận cụ thể của máy bay, ô tô để làm ví dụ thực tế.

Còn nhiều thách thức để công nghệ in 3D đi vào sản xuất tại Việt Nam

Tuy có nhiều lợi ích trong ứng dụng thực tế của thế giới, nhưng công cụ in 3D vẫn chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Trước tiên bởi chi phí đầu tư cao, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đầu tư không lớn nên khó có thể đầu tư vào công nghệ này.

Công nghệ in 3D tiêu tốn ít chi phí hơn với chi tiết càng phức tạp hơn, đây là điểm mạnh và cũng là thách thức của công nghệ này. Nó thường chỉ được áp dụng cho việc chế tạo chi tiết phức tạp và chưa có khả năng sản xuất hàng loạt do chi phí giá thành trên mỗi sản phẩm cao. Vì vậy, nhu cầu sử dụng công nghệ này ở Việt Nam cũng chưa nhiều.

Ngoài ra, công nghệ này còn sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau, thời gian chế tạo sản phẩm lâu, còn cần dùng nhiều công nghệ yêu cầu nguồn dữ liệu mở khác, nên chưa hấp dẫn với các doanh nghiệp Việt.

Cơ hội đi tắt đón đầu công nghệ cơ khí thế giới

Bên cạnh những yếu tố đáng cân nhắc để lựa chọn công nghệ in 3D như chất lượng, chi phí, thời gian và sản phẩm, ông Hoàng Đức Bằng, giám đốc công ty công ty cung cấp giải pháp tổng thể công nghệ 3D AIE, cũng chỉ ra những cơ hội cho việc phát triển ứng dụng công nghệ này ở Việt Nam.

Đây là công nghệ mới ở Việt Nam nhưng đã phổ biến trên thế giới. Việc tiên phong áp dụng công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp sớm chiếm lĩnh thị phần với nhiều cơ hội phát triển. Các máy móc vận hành công nghệ in 3D được thiết kế với thao tác đơn giản, tự động hóa, thuận tiện cho người sử dụng nên không đòi hỏi nguồn nhân lực vận hành có trình độ cao.

Máy in 3D sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ. Ảnh: aie.com.vn
Máy in 3D sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ. Ảnh: aie.com.vn

Phát triển công nghệ mới cũng sẽ tạo nên nhu cầu về đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này, tạo cơ hội cho các trường đại học, các trường dạy nghề. Đặc biệt, theo ông Hoàng Đức Bằng, hiện nay nghiên cứu phát triển trong công nghệ in 3D đang có 3 hướng, gồm chế tạo máy móc, thiết kế phần mềm vận hành và phát triển nguồn nguyên liệu. Trong khi nhu cầu nguồn nguyên liệu trên toàn cầu đang rất lớn, nếu Việt Nam có thể nghiên cứu và phát triển đáp ứng nhu cầu của thế giới thì đó là cơ hội lớn cho thương mại và thu hút đầu tư.

Doanh nghiệp cũng có thể phát triển dịch vụ công nghệ in 3D bằng cách đầu tư máy móc, thành lập trung tâm cung cấp dịch vụ cho các khách hàng ở các lĩnh vực khác nhau, phục vụ các nhu cầu khác nhau trong chế tạo các chi tiết trong cơ khí. Mô hình này đã được áp dụng ở Trung Quốc, với những doanh nghiệp đầu tư hàng trăm máy in 3D để làm dịch vụ in cho các doanh nghiệp khác và được gọi là các Print Farm, một mô hình hiện vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp