Áp lực chờ đợi tân thủ tướng Anh sau 10 ngày tạm lắng vì Nữ hoàng qua đời

Chính trị ảnh
17:42 - 20/09/2022
Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu trong Lễ quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II tại Tu viện Westminster, ngày 19/9. Ảnh: AP
Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu trong Lễ quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II tại Tu viện Westminster, ngày 19/9. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết, sự ra đi của Nữ hoàng là “thời điểm vô cùng khó khăn” của nước này. Bà cũng thừa nhận, sau 10 ngày tạm lắng các chương trình nghị sự, chính phủ mới sẽ đối mặt với các thách thức, trong đó có cuộc khủng hoảng năng lượng.

10 ngày “tạm lắng” trên chính trường

“Đó là một thời điểm vô cùng khó khăn của đất nước chúng ta, nhưng cũng là một sự kiện vô cùng to lớn”, bà nhận xét, theo AP.

Bà Liz Truss nhậm chức Thủ tướng Anh vào ngày 6/9, chỉ hai ngày trước khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời hôm 8/9. Bà đã tạm thời gác lại các kế hoạch trong những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình vì cả nước tổ chức quốc tang cho Nữ hoàng.

Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm bà Liz Truss trở thành Thủ tướng Anh tại lâu đài Balmoral, Scotland, ngày 6/9. Ảnh: Reuters

Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm bà Liz Truss trở thành Thủ tướng Anh tại lâu đài Balmoral, Scotland, ngày 6/9. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, sau 10 ngày lịch trình tạm lắng, Thủ tướng Truss giờ đây phải gấp rút thảo luận và triển khai các chương trình nghị sự tham vọng của mình.

Theo Reuters, quãng thời gian tạm dừng chính sự khiến một số người trong chính phủ cảm thấy lo ngại, trong bối cảnh Anh có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài, cũng như đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng gây tổn hại tài chính của hàng triệu người.

Nhưng theo một số nguồn tin, thời điểm vừa qua cũng mang lại cơ hội để chính phủ mới của bà Truss củng cố lại bộ máy, cũng như điều chỉnh các chính sách. Giờ đây, một tuần bận rộn đang chờ đợi bà ở phía trước.

Vợ chồng Thủ tướng Anh Liz Truss tại số 10 Phố Downing, ngày 18/9. Ảnh: AP

Vợ chồng Thủ tướng Anh Liz Truss tại số 10 Phố Downing, ngày 18/9. Ảnh: AP

Các chính sách mới sẽ được công bố trong vài ngày cuối tuần tại Quốc hội Anh. Trong đó, có thể kể đến một gói hỗ trợ để các doanh nghiệp đối phó cuộc khủng hoảng giá năng lượng, một đề xuất về việc cắt giảm thời gian chờ đợi điều trị tại các cơ sở y tế do nhà nước điều hành và nhiều hứa hẹn cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng.

"Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhìn thấy một khởi đầu đầy tập trung, mạnh mẽ, cho thấy động lực và đường lối của Thủ tướng Truss, mà không có bất kỳ sự phân tâm hay những xao lãng bên lề”, một thành viên kỳ cựu thuộc đảng Bảo thủ Anh, dự đoán. “Các chính sách đã có, nhưng giờ chúng sẽ được phân về các ban ngành để thực hiện”.

Mặc dù người phát ngôn của Thủ tướng Anh không đưa ra thông tin mới về 10 ngày quốc tang, nhưng chính phủ của bà Truss vẫn không ngừng làm việc. Một nguồn tin cho biết, các bộ trưởng vẫn làm việc tại Bộ Tài chính cả ngày 18/9.

Tuần mới "tăng tốc" của chính phủ Anh

Khẩu hiệu mà Thủ tướng Liz Truss luôn muốn chính phủ mới đạt được là "tăng trưởng", với niềm tin rằng bằng cách đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, bà có thể giải quyết nhiều vấn đề lâu dài khác.

Điều này sẽ được đưa ra trong báo cáo tài chính của chính phủ, dự kiến do Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng trình bày vào ngày 23/9. Ông Kwarteng được cho là sẽ hủy bỏ kế hoạch tăng đóng góp cho quỹ bảo hiểm quốc gia và đóng băng thuế doanh nghiệp. Ông cũng sẽ nêu chi phí ước tính cho gói hỗ trợ năng lượng.

Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất để chống lạm phát vào ngày 22/9. Tuy nhiên, điều này dường như đang đi ngược với kế hoạch của Bộ trưởng Kwarteng, khi mà việc cắt giảm thuế doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến giá cả.

Bà Truss sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh. Ảnh: Reuters

Bà Truss sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh. Ảnh: Reuters

Trong lúc quốc hội sẽ tập trung nhiều vào việc giải quyết các vấn đề trong nước, Thủ tướng Truss được cho là chuẩn bị chuyến công du đầu tiên tới thành phố New York, Mỹ. Tại đây, bà sẽ dự cuộc họp thường niên của các lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc và có cuộc gặp song phương chính thức với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong thời gian qua, Anh vẫn luôn ca ngợi "mối quan hệ đặc biệt" với Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã đối mặt thử thách, đặc biệt là về vấn đề Brexit và quyết định của Thủ tướng Truss khi ban hành đạo luật đơn phương thay đổi một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Bắc Ireland. Trong khi đó, Tổng thống Biden từ lâu đã công khai thể hiện mối quan tâm của mình về tương lai Bắc Ireland.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, cả hai nhà lãnh đạo này sẽ tìm thấy nhiều điểm chung hơn trong lập trường mạnh mẽ về Nga và Trung Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp