'Heo ăn chuối', 'heo ăn chay' và câu chuyện tạo sức hút cho thương hiệu

HAGL BAF Việt Nam
22:54 - 22/01/2023
Cửa hàng Bapi Food với thương hiệu "heo ăn chuối" của Hoàng Anh Gia Lai.
Cửa hàng Bapi Food với thương hiệu "heo ăn chuối" của Hoàng Anh Gia Lai.
0:00 / 0:00
0:00
Nhắc đến thịt sạch hay thịt hữu cơ, chắc hẳn chẳng còn mấy ai xa lạ, nhưng nói đến “heo ăn chuối” hay “heo ăn chay” thì rất nhiều người tò mò và cảm thấy thú vị. Đó chính là cách tạo sức hút cho thương hiệu mà hai doanh nghiệp chăn nuôi đã gặt hái thành công.

Bapi của bầu Đức - thương hiệu ra đời từ những khó khăn tài chính

Thương hiệu "heo ăn chuối" gắn với câu chuyện đầy kịch tính về hành trình phục hồi sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG). Mặc dù bắt đầu chăn nuôi từ năm 2020 nhưng phải tới tháng 9/2022, HAG mới chính thức ra mắt thương hiệu “Bapi - Heo ăn chuối”. Trước đó, công ty đã mở các điểm bán tại TP HCM, Đà Nẵng để đánh giá trải nghiệm khách hàng và họ dường như đã nhìn thấy ở đó một triển vọng lớn.

"Lúc phát hiện ra con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được", đó là chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch HĐQT HAG khi nói về ý tưởng nuôi heo ăn chuối. Mất ngủ là do ông vui mừng vì linh cảm "thời đang tới!" sau nhiều năm vật lộn với trồng cây gì, nuôi con gì và chìm trong nợ nần.

Theo chiến lược của Hoàng Anh Gia Lai, chuối trồng ra sẽ xuất khoảng 50%, còn lại tái sử dụng cho chăn nuôi. Sau thời gian thử nghiệm, công ty đã tìm ra công thức chế biến thức ăn cho heo với 40% thành phần là chuối, còn lại là bắp, đậu nành, vi chất, thảo mộc… giúp heo có giá thành thấp mà chất lượng cũng đặc biệt so với các sản phẩm trên thị trường.

Chia sẻ tại sự kiện ra mắt thương hiệu heo ăn chuối, bầu Đức cho biết từ thời điểm chuyển giao Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cho Thaco, HAG đã tái cấu trúc một lần nữa, với định hướng là phải chọn sản phẩm ngắn ngày, không thể đầu tư quá 3 năm vì không có đủ tài chính. Do đó, HAG đã chọn cây chuối để 9 tháng thu hoạch và con heo cũng từ 6-8 tháng xuất chuồng.

Theo Chủ tịch của HAGL, trồng chuối xuất khẩu, phụ phẩm chuối loại ra nhiều, mỗi năm có thể lên đến 200.000 tấn, còn nuôi heo thì thức ăn chiếm khoảng 75% giá thành, nếu kết hợp heo ăn chuối sẽ giải quyết được cả 2 việc cho mảng trồng chuối và mảng chăn nuôi của tập đoàn.

Bầu Đức chia sẻ tại sự kiện ra mắt thương hiệu "heo ăn chuối".

Bầu Đức chia sẻ tại sự kiện ra mắt thương hiệu "heo ăn chuối".

Doanh nhân Trương Sỹ Bá và thương hiệu "Heo ăn chay"

Sau khi Hoàng Anh Gia Lai ra mắt “Bapi - Heo ăn chuối” không lâu, Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) cũng chính thức tung ra thị trường sản phẩm "heo ăn chay" BAF Meat. Bước vào thị trường chăn nuôi sớm hơn HAG (từ 2017) và theo đuổi mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến; tuy nhiên phải đến khi tung ra khái niệm “heo ăn chay”, BAF mới thực sự gây hiệu ứng truyền thông.

Theo giới thiệu của BAF, đàn heo được cho ăn "cám chay", làm từ 100% nguyên liệu thực vật và gốc đạm thực vật, không chứa các thành phần từ gốc đạm động vật như bột xương thịt, bột cá… nên sẽ giảm rủi ro nhiễm các loại vi khuẩn.

Bên cạnh công thức dinh dưỡng riêng, công ty đang triển khai hệ thống chăn nuôi theo mô hình 3F (Feed-Farm-Food), nghĩa là tự đảm bảo từ đầu vào (sản xuất thức ăn), chăn nuôi (chuồng trại) và chế biến (giết mổ) theo một quy trình khép kín.

Tại sự kiện ra mắt "heo ăn chay" BAF Meat, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BAF (Chủ tịch Tập đoàn Tân Long) cho biết, chi phí nuôi heo theo phương pháp sử dụng đạm gốc thực vật trong thức ăn sẽ cao hơn so với sử dụng đạm gốc động vật.

Lý do là thức ăn dùng đạm gốc động vật được nhập khẩu từ các doanh nghiệp châu Âu có giá rất rẻ, được sản xuất từ xương, phụ phẩm heo, những bộ phận không dùng đến của heo. Ở các nước phát triển, phần phụ phẩm này nếu không làm bột xương thịt họ phải tốn kém thêm chi phí để xử lý, đảm bảo cho vấn đề môi trường. Do đó, đạm gốc động vật được chế biến thực chất không tính đến lợi nhuận nên giá rất rẻ.

Chi phí nuôi sẽ cao hơn khoảng vài ba phần trăm nhưng đổi lại chất lượng thịt sẽ cao hơn. Chúng tôi kỳ vọng xây dựng thương hiệu thịt an toàn và người tiêu dùng có thể chấp nhận cái giá cao hơn chút xíu để bù đắp phần chi phí tăng lên.Chủ tịch HĐQT BAF Trương Sỹ Bá

Kể câu chuyện mới cho sản phẩm cũ

“Heo ăn chuối” hay “heo ăn chay” cũng chỉ là một cách gọi mới cho sản phẩm thịt sạch. Thực tế ở thị trường này, nhiều doanh nghiệp lớn đã khai thác và có thị phần. CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco, Masan Meatlife đều áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín từ rất sớm, định hướng sản phẩm theo nhu cầu “ăn sạch” của khách hàng. Trong đó, CP Việt Nam - công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan là doanh nghiệp sản xuất thịt lớn nhất Việt Nam với thị phần thịt lợn ước tính khoảng 17-18%.

Trước HAG và BAF, Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) ra mắt thị trường vào cuối năm 2019 cũng từng gây ấn tượng với với câu chuyện “thịt mát theo tiêu chuẩn Châu Âu đầu tiên tại Việt Nam” - sử dụng công nghệ đóng gói Oxy Fresh 9. Với sự hỗ trợ của hệ thống siêu thị Winmart, thịt Meat Deli hiện chiếm khoảng 2-3% thị phần.

Mặc dù xét về bản chất, thịt heo của HAG và BAF không có gì khác biệt lớn. Tuy nhiên câu chuyện “heo ăn chuối”, “heo ăn chay” lại mang đến hiệu quả truyền thông, khi người tiêu dùng tỏ ra tin vào sự ra đời của những sản phẩm thịt sạch, an toàn từ hai thương hiệu này. Mô hình đó thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu trên sàn.

“Tôi có thể khẳng định Hoàng Anh Gia Lai đã sang trang mới”, bầu Đức tự tin khẳng định trong ngày ra mắt thương hiệu Bapi. Trong thông cáo đầu tháng 1/2023, HAG cho biết tính đến cuối năm 2022, Tập đoàn đã chắc chắn vượt kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.

Năm 2022 HAG đặt kế hoạch lợi nhuận 1.120 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2021. Mức lãi này giúp công ty của bầu Đức chính thức quay lại mốc hoàng kim từ năm 2011 về trước (trừ năm 2014 lãi đột biến từ hoạt động tài chính). Đặc biệt là so với kết quả nhiều năm trước đó, HAG chìm trong thua lỗ. Lỗ luỹ kế tại thời điểm cuối năm 2021 lên tới 4.467 tỷ đồng.

Dù vẫn còn nhiều người hoài nghi bởi trước đây Hoàng Anh Gia Lai từng thất bại với nhiều mô hình kinh doanh nhưng lần này, bầu Đức thể hiện quyết tâm lấy lại vị thế trên thương trường từ heo và chuối. Đầu tháng 11/2022, HAG ra mắt kênh thương mại điện tử của Bapi với khả năng xử lý 10.000 đơn hàng/ngày, dự kiến năm sau tăng gấp 10, nhằm đẩy mạnh doanh số bán hàng. Công ty cũng đang thí điểm nuôi 100.000 con gà đi bộ, cho ăn chuối trên diện tích 2 héc ta tại vùng Mang Yang, Gia Lai.

Mục tiêu của HAG là đến cuối năm 2023 sẽ đưa ra thị trường 20 triệu con gà đi bộ ăn chuối, 1 triệu con heo ăn chuối, đồng thời phát triển mạnh chuỗi Bapi Food với khoảng 1.000 cửa hàng; trong đó có nhượng quyền. Ngoài lợn và gà ăn chuối, Hoàng Anh Gia Lai cũng sẽ bày bán thêm các trái cây của doanh nghiệp tại Bapi Food và bán online qua app.

Câu chuyện “heo ăn chuối” ngoài tác động đến kết quả kinh doanh còn giúp cổ phiếu HAG gây sốt trong giai đoạn từ tháng 6-9/2022, khi tăng giá gấp đôi từ vùng 7.000 đồng lên 14.000 đồng.

Với BAF, triển vọng cũng rõ ràng. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 cho thấy, công ty mang về 1.920 tỷ đồng doanh thu, giảm 49,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn giảm rất mạnh nên lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3,6 lần, đạt 158 tỷ đồng. Tính ra mỗi ngày, BAF “bỏ túi” 1,75 tỷ đồng lợi nhuận.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BAF đạt 4.890 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế đạt 286 tỷ đồng, tăng 17%. So với kế hoạch, BAF đã thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và 71,1% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.

BAF tiết kiệm được giá vốn là nhờ đang sở hữu 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bà Rịa Vũng Tàu và Tây Ninh với công suất 275.000 tấn/năm. Dự kiến đầu năm 2023, công ty đưa vào vận hành thêm 1 nhà máy tại Nghệ An với công suất 180.000 tấn/năm.

Về trang trại chăn nuôi, BAF đang có 20 trang trại khép kín với tổng đàn heo trên 200.000 con. Đồng thời là 60 cửa hàng Siba Food và 250 Meat Shop. Với chuỗi 3F khép kín, công ty của doanh nhân Trương Sỹ Bá đặt mục tiêu đạt 10% thị phần về heo hơi vào năm 2030, tương đương với mức doanh thu 14.000 tỷ đồng.

Thương hiệu "heo ăn chay" của BAF.

Thương hiệu "heo ăn chay" của BAF.

Một sân chơi chật chội, một thị trường tiềm năng

Theo VNDirect, sân chơi “3F” hiện đang khá chật chội với nhiều đối thủ mạnh. Tuy nhiên đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt có sự đầu tư vào hệ thống chăn nuôi, phân phối qua điểm bán hiện tại và đi theo câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng”.

Thịt lợn là loại thịt thiết yếu ở Việt Nam, chiếm 66% tổng lượng thịt tiêu thụ. Khi mức thu nhập cao hơn, kiến thức dinh dưỡng và nhận thức về sức khỏe của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện thì nhu cầu về thịt sạch sẽ càng tăng lên, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và Covid-19. Theo Ipsos Việt Nam, phân khúc thịt lợn thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10% -15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường.

HAG và BAF đều đang có lợi thế về câu chuyện thương hiệu. Tuy nhiên để cạnh tranh với các đối thủ đang có vị trí vững chắc trên thị trường thì đòi hỏi “vũ khí” phải mạnh mẽ hơn chứ không thể chỉ mãi đánh vào cảm xúc.

Còn nhớ người tiêu dùng từng sôi sục vì heo, gà nuôi bằng thảo dược; nhưng câu chuyện cũng dần nguội lạnh khi chăn nuôi chỉ dừng ở dạng cá thể, quy mô nhỏ và không có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.

HAG và BAF có thành công lâu dài không là câu hỏi ở thì tương lai, nhưng những nền tảng họ xây dựng đang hứa hẹn về một sự thay đổi để tồn tại, một sự vươn tầm của thương hiệu để khẳng định chỗ đứng. Đặc biệt là quy trình sản xuất nhắm tới những tiêu chuẩn cao hơn, sạch hơn với những sản phẩm tử tế dành cho người tiêu dùng Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp