Lối đi mới cho công nhân thất nghiệp bằng đào tạo kỹ năng số

Công nhân số hóa
16:11 - 28/06/2023
Diễn đàn “Việc làm Số cho công nhân”. Ảnh: Phương Thảo.
Diễn đàn “Việc làm Số cho công nhân”. Ảnh: Phương Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường việc làm thế giới và khu vực ASEAN được đánh giá đã có sự chuyển dịch do AI, Big data, nên những công nhân có kỹ năng số tốt có thể đón nhận cơ hội này để tăng thêm thu nhập và thay đổi việc làm.

Tại Diễn đàn “Việc làm Số cho công nhân” và công bố chương trình “Cơ hội mới”, ngày 28/6, bà Gulmira Asanbaev, Giám đốc Hệ sinh thái năng suất cho Chương trình Việc làm bền vững Việt Nam, ILO cho biết, thị trường việc làm thế giới và khu vực ASEAN đều đã có sự chuyển dịch do AI, Big data. Một số công nhân có kỹ năng tốt có thể đón nhận cơ hội này để tăng thêm thu nhập và thay đổi việc làm.

Các chuyên gia kinh tế thế giới dự báo, sẽ có 85 triệu việc làm bị thay thế bởi máy móc và 97 triệu việc làm mới được tạo ra thông qua phân công lao động. Nền tảng số hóa là một trong những cốt lõi tạo ra nhiều thay đổi nhanh chóng này với các chỉ số mới trong việc làm tương lai.

Thứ nhất là những việc làm online, làm việc từ xa ở những công việc tính toán, tài chính, dịch thuật. Thứ hai là những việc làm số công nghệ thông tin và truyền thông.

Do đó, bà Gulmira Asanbaev nhìn nhận kỹ năng số ngày càng trở thành phương tiện quan trọng trong thị trường việc làm. Ở EU, ¾ công việc yêu cầu có kỹ năng số. Ở châu Á – Thái Bình Dương, yếu tố này cũng đang dần định vị lại thị trường việc làm.

Tỷ lệ lao động được trang bị kỹ năng số của Việt Nam còn thấp. Nguồn: ILO.

Tỷ lệ lao động được trang bị kỹ năng số của Việt Nam còn thấp. Nguồn: ILO.

Tổng lực lượng lao động Việt Nam hiện là 51,2 triệu, tỷ lệ mất việc làm của thanh niên là 7,2% chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử. “Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là theo nghiên cứu của World Bank, số hóa tạo sẽ ra số việc làm nhiều hơn 7 lần số việc làm nó phá hủy. Đây chính là cơ hội lớn chuyển đổi việc làm cho công nhân Việt Nam thông qua đào tạo kỹ năng số”, bà Gulmira Asanbaev nói.

Tạo điều kiện sẵn sàng cho người lao động được đào tạo lại

Đồng tình với quan điểm của đại diện ILO, bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia việc làm của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, tự động hóa đang dần bắt đầu thay đổi các nhiệm vụ trong một số khâu và thậm chí còn có thể thay thế các công việc.

Điều này đặt ra yêu cầu xác định những ngành nghề đang phát triển và nhu cầu kỹ năng của họ là rất quan trọng để phát triển lực lượng lao động, tăng cường năng suất lao động giúp người lao động chuyển sang những công việc có chất lượng, mang lại lợi nhuận cao.

Theo phân tích của World Bank, trong 2 thập kỷ vừa qua, khoảng 30% tổng lực lượng lao động chuyển dịch từ ngành nông nghiệp năng suất thấp sang công việc dịch vụ và sản xuất tương đối hiệu quả, tạo ra tăng năng suất liên ngành.

Tuy nhiên, dân số Việt Nam đang ngày một già đi với tốc độ thuộc hạng nhanh nhất thế giới, đặt ra những thách thức liên quan đến nguồn cung lao động và năng suất, cũng như đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.

Cũng theo vị chuyên gia này, nghề nghiệp có xu hướng yêu cầu sử dụng máy tính đang ngày càng gia tăng. Cụ thể, 14/25 nghề đang phát triển hàng đầu có điểm sử dụng máy tính trên mức trung bình toàn quốc của tất cả các nghề.

Nghề nghiệp kỹ năng cao đã phát triển nhanh chóng về số lượng người lao động, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các chuyên gia có tay nghề cao. Tuy nhiên, họ vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng số việc làm (7% vào năm 2019).

Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia việc làm của World Bank. Ảnh: Phương Thảo.

Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia việc làm của World Bank. Ảnh: Phương Thảo.

Lấy dữ liệu của LinkedIn, bà Nga chỉ ra, khảo sát này đã tiết lộ rằng Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kỹ năng số mới tuy nhiên vẫn ở mức sơ khai. Các kỹ năng số cơ bản xuất hiện phổ biến ở Việt Nam, nhưng không được sử dụng thường xuyên như ở các nước so sánh.

Ngược lại các kỹ năng số trung cấp và cao cấp ở Việt Nam lại kém hơn, nhưng vẫn có một số điểm sáng ở lĩnh vực phát triển ứng dụng di động, kiểm thử phần mềm, phát triển web.

Bối cảnh này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho công nhân Việt Nam. Với công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp, chuyên gia của World Bank cho rằng, thách thức lớn nhất là họ đang phải lao động trong cường độ cao, thời gian dài thì làm thế nào để họ vẫn đủ thời gian, sức khỏe và quyết tâm theo học chương trình đào tạo.

“Bài toán này cần nhiều hơn sự hỗ trợ của doanh nghiệp để người lao động có cơ hội đón nhận những thay đổi mới cho mình. Điều này vừa mang lại năng suất cao hơn cho doanh nghiệp mà còn mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho người lao động”, bà Nga khẳng định.

Có chung trăn trở với bà Nga, bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chia sẻ, đào tạo kỹ năng cần ưu tiên cho những người mất việc, đang tìm việc mới.

“Đây chủ yếu là những người lao động đã lớn tuổi, do đó, các chương trình đào tạo không chỉ là mang lại việc làm, kỹ năng mới mà còn là quá trình chuẩn bị tâm lý giúp cho họ sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng đón nhận cơ hội mới”, bà Lan nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp