Mỹ trục vớt 2 thi thể vụ tàu đâm sập cầu ở Baltimore

SẬP CẦU MỸ
12:15 - 28/03/2024
Hiện trường vụ tàu container đâm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore, bang Maryland của Mỹ. Ảnh: AFP
Hiện trường vụ tàu container đâm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore, bang Maryland của Mỹ. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Các thợ lặn đã tìm thấy thi thể của 2 trong số 6 công nhân xây dựng mất tích sau khi bị rơi xuống sông trong vụ tàu container đâm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore, bang Maryland của Mỹ.

Theo Reuters, cảnh sát bang Maryland ngày 27/3 cho biết, thi thể của 2 công nhân thuộc đội san lấp ổ gà được tìm thấy trong tình trạng bị mắc kẹt trong chiếc xe tải ở độ sâu khoảng 7,6 mét dưới mặt nước ở phần gần giữa của cây cầu Francis Scott Key bị sập.

Hai nạn nhân được xác định là Alejandro Hernandez Fuentes (35 tuổi) đến từ Mexico và Dorlian Ronial Castillo Cabrera (26 tuổi) đến từ Guatemala. Cả hai đều làm việc cho công ty xây dựng.

Vụ tai nạn sập cầu xảy ra vào khoảng 1h30' sáng ngày 26/3 (theo giờ địa phương), khi tàu container Dali treo cờ Singapore đâm vào cột trụ của cầu Francis Scott Key bắc qua cửa sông Patapsco.

Tình trạng con tàu container Dali treo cờ Singapore sau khi đâm vào cầu. Ảnh: AFP

Tình trạng con tàu container Dali treo cờ Singapore sau khi đâm vào cầu. Ảnh: AFP

Một đoạn cầu dài khoảng 2,5km gần như ngay lập tức sập, kéo theo nhiều phương tiện và người trên đó cầu xuống làn nước lạnh giá. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, đội công nhân xây dựng trên cây cầu đang sửa ổ gà. 8 người đã rơi từ độ cao 56 mét xuống sông, nơi nhiệt độ là 8 độ C.

Lực lượng cứu hộ đã giải cứu được 2 người sống sót thuộc một đội công nhân đang tiến hành lấp ổ gà trên cầu, trong khi 6 công nhân khác bị mất tích. Trong cuộc họp báo tối 26/3 – khoảng 18 giờ sau khi mất tích, giới chức cho biết 6 công nhân được cho là đã thiệt mạng và ngừng cứu hộ vì các đống đổ nát của cây cầu có thể gây nguy hiểm.

Khoảnh khắc tàu Dali đâm vào trụ cầu Francis Scott Key. Video: Reuters

Vụ tai nạn hôm 26/3 có thể được coi là vụ sập cầu tồi tệ nhất ở Mỹ kể từ năm 2007, khi cây cầu I-35W ở Minneapolis, tiểu bang Minnesota, bị sập xuống sông Mississippi, khiến 13 người thiệt mạng.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg cho biết việc đóng cửa Cảng Baltimore - một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất đất nước - cho đến khi có thông báo mới sẽ có "tác động lớn và lâu dài đến chuỗi cung ứng". Cảng Baltimore xử lý nhiều hàng hóa ô tô hơn bất kỳ cảng nào khác của Mỹ.

Bên cạnh tác động đến các chuyến hàng ô tô, việc đóng cảng có thể buộc các chủ hàng phải chuyển hàng hóa đến Baltimore từ container sang hàng rời. Các chuyên gia cho biết, nó có thể tạo ra thêm sự tắc nghẽn, làm tăng sự chậm trễ và chi phí vận chuyển trên vùng biển phía Đông.

6 công nhân được cho là đã thiệt mạng trong vụ sập cầu. Ảnh: AFP

6 công nhân được cho là đã thiệt mạng trong vụ sập cầu. Ảnh: AFP

Tâm điểm của các rắc rối pháp lý cũng sẽ tập trung vào công ty Grace Ocean có trụ sở tại Singapore – chủ sở hữu của tàu container Dali. Công ty có thể phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ nhiều hướng, bao gồm cả chủ sở hữu cây cầu cũng như từ gia đình của 6 công nhân thiệt mạng trên sông Patapsco.

Các công ty bảo hiểm có thể đối mặt với các yêu cầu bồi thường hàng tỷ USD. Trong đó, một bên ước tính chi phí có thể lên tới 4 tỷ USD – tổn thất kỷ lục về bảo hiểm vận chuyển trên toàn cầu.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ sớm đến thăm Baltimore và mong muốn chính phủ liên bang hỗ trợ tiền để xây dựng lại cây cầu. Bộ Giao thông Vận tải Mỹ có thể cấp quỹ cứu trợ khẩn cấp để “giải phóng nhanh” khoảng vài triệu USD.

Để xây lại cây cầu, Quốc hội Mỹ sẽ cần phê duyệt nguồn tài trợ. Sau vụ sập cầu năm 2007 ở Minnesota, Quốc hội đã phân bổ 250 triệu USD. Theo ước tính ban đầu của công ty phân tích kinh tế IMPLAN, chi phí xây dựng lại cây cầu là 600 triệu USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp