Người Indonesia kêu gọi phản đối đồ chiên khi giá dầu ăn tăng

THỊ TRƯỜNG Indonesia
21:08 - 28/03/2022
Đàn ông Indonesia chiên Krupuk, một loại bánh gạo được phục vụ trong hầu hết các bữa ăn, ở Jakarta. Ảnh: Getty Images
Đàn ông Indonesia chiên Krupuk, một loại bánh gạo được phục vụ trong hầu hết các bữa ăn, ở Jakarta. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Đảng PDIP ủng hộ Tổng thống Joko Widodo đang kêu gọi người Indonesia nên đổi sang chế biến các món ăn như luộc, hấp và nướng, thay vì chiên rán trong bối cảnh giá dầu ăn tại nước này tăng cao.

Bloomberg dẫn lời bà Wiryanti Sukamdani, một quan chức của Đảng Đấu tranh Dân chủ Indonesia (PDIP), cho biết: “Món ăn ngày nay nên thể hiện sự sáng tạo của người nấu, sử dụng nguyên liệu địa phương và hạn chế sử dụng dầu ăn”. PDIP là đảng lớn nhất trong quốc hội Indonesia.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng PDIP, bà Megawati Sukarnoputri đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng vào đầu tháng này khi bà đặt câu hỏi tại sao người Indonesia lại xếp hàng mua dầu ăn và có phải tất cả mọi người đều ăn đồ chiên hàng ngày.

Trong khoảng thời gian vài tháng qua, người dân Indonesia đã phải chịu đựng tình trạng thiếu hụt dầu ăn hoặc giá dầu ăn tăng cao tới mức những người có thu nhập thấp (chiếm phần lớn trong tổng số 270 triệu người của quốc gia này) không thể mua được.

Một phụ nữ mua dầu ăn tại một siêu thị ở Jakarta, Indonesia, ngày 27/3. Ảnh: Reuters
Một phụ nữ mua dầu ăn tại một siêu thị ở Jakarta, Indonesia, ngày 27/3. Ảnh: Reuters

Người dân luôn phải xếp hàng dài chờ đợi để mua dầu ăn, trong khi các quầy hàng này tại siêu thị và cửa tiệm trên khắp đất nước luôn ở trong tình trạng cháy hàng. Tại một số siêu thị ở Jakarta, mọi người chỉ có thể tìm thấy các loại dầu ăn nhập khẩu làm từ hạt cải, hướng dương và ngô với giá ít nhất từ 5 USD/lít trở lên. Một số nhà bán lẻ quyết định rằng một người chỉ có thể mua tối đa hai lít dầu ăn - nếu họ còn hàng.

Theo ông Sukamdani, người đứng đầu Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI), tình trạng khan hiếm dầu ăn cũng đang gây ảnh hưởng đến các nhà hàng trên khắp đất nước. Tại một số nơi, các món ăn nấu dầu ăn đã bị loại khỏi thực đơn.

Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), Indonesia đã sản xuất 47 triệu tấn CPO vào năm ngoái và người phát ngôn của cơ quan này khi đó khẳng định rằng sẽ không thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, trong năm nay, cuộc chiến tại Ukraine đã ảnh hưởng đến việc cung cấp các loại dầu thực vật khác, khiến giá dầu cọ tăng cao.

Indonesia đã công bố khoản trợ cấp 7.280 tỷ Rupiah (507 triệu USD) và tăng thuế xuất khẩu dầu cọ nhằm bảo vệ nguồn cung trong nước và ổn định giá dầu ăn. Chính phủ nước này cũng công bố quyết định loại bỏ chính sách "Nghĩa vụ Thị trường nội địa" (DMO) đối với dầu ăn và hy vọng rằng các nhà sản xuất sẽ tiếp tục điều tiết lượng dầu ăn trên thị trường nội địa, thay vì tích trữ.

Ông Sukamdani cho biết: “Giá cao hay thấp như thế nào là điều còn bàn cãi nhưng nếu thiếu mặt hàng này thì sẽ trở thành vấn đề".

Chi phí thực phẩm đang trở thành một vấn đề quan trọng khi đất nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới bắt đầu bước vào tháng ăn chay Ramadan. Đây là thời điểm người dân Indonesia sẽ ăn chay hàng ngày và tổ chức các bữa tiệc và lễ kỷ niệm.

Tin liên quan

Đọc tiếp