Ông Trump bị truy tố vì cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2020

pháp lý MỸ
11:30 - 02/08/2023
Cựu Tổng thống Mỹ và ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử ở Erie, Pennsylvania, Mỹ ngày 29/7/2023. Ảnh: Reuters
Cựu Tổng thống Mỹ và ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử ở Erie, Pennsylvania, Mỹ ngày 29/7/2023. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bị truy tố với các cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020, đánh dấu lần thứ 3 trong vòng 4 tháng ông bị truy tố hình sự.

Theo hãng tin AP, tổng thống thứ 45 của Mỹ bị buộc tội với 4 tội danh bao gồm cản trở một thủ tục chính thức, âm mưu cản trở một thủ tục chính thức, âm mưu lừa gạt nước Mỹ và âm mưu ngăn cản người khác thực hiện các quyền hiến định.

Cáo buộc cản trở của ông Trump đề cập tới phiên họp chung của Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 khi số phiếu được kiểm để xác nhận ông Joe Biden là người chiến thắng chính thức. Đối với cáo buộc âm mưu ngăn cản người khác thực hiện quyền hiến định, nó liên quan đến việc ông Trump âm mưu can thiệp vào quyền bầu cử và can thiệp phiếu bầu.

Trong khi đó, cáo buộc âm mưu lừa gạt nước Mỹ liên quan tới việc ông Trump đã sử dụng "sự không trung thực, gian lận và lừa dối" để cản trở việc kiểm phiếu và xác nhận kết quả bầu cử. Bản cáo trạng khẳng định ông Trump có quyền phản đối cuộc bầu cử nhưng nó liên quan tới những gì các công tố viên cho là nỗ lực bất hợp pháp nhằm lật đổ kết quả bầu cử và ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Ngoài ra, bản cáo trạng cũng cáo buộc ông Trump lên kế hoạch cho một âm mưu kéo dài hàng tuần bắt đầu bằng việc gây áp lực lên các nhà lập pháp tiểu bang và các quan chức bầu cử để thay đổi số phiếu, sau đó tiến tới thiết lập các danh sách giả mạo về những cử tri ủng hộ ông Trump để gửi đến Quốc hội. Ông Trump cùng các đồng phạm cũng bị cáo buộc lợi dụng Bộ Tư pháp để tiến hành các cuộc điều tra gian lận bầu cử không có thật nhằm thúc đẩy kế hoạch cử tri giả.

Với mốc 6/1 đến gần, ông Trump và các đồng phạm bị cáo buộc đã gây áp lực buộc Phó Tổng thống Mike Pence từ chối một số phiếu nhất định và khi điều này thất bại, cựu tổng thống Mỹ đã chỉ đạo những người ủng hộ ông đến Điện Capitol để cản trở việc Quốc hội chứng nhận phiếu bầu.

Cuối cùng, bản cáo trạng cho biết ông Trump cùng các đồng phạm cố gắng khai thác cuộc tấn công của những người ủng hộ ông vào Điện Capitol bằng cách gia tăng nỗ lực truyền bá những lời nói dối về cuộc bầu cử và thuyết phục các thành viên Quốc hội tiếp tục trì hoãn việc xác nhận chiến thắng của Biden.

AP trích dẫn bản cáo trạng cho biết: “Mỗi âm mưu trong số này — được xây dựng dựa trên sự ngờ vực lan rộng mà bị cáo đã tạo ra thông qua những lời nói dối và gây bất ổn về gian lận bầu cử — đều nhắm vào một chức năng nền tảng của chính phủ liên bang Mỹ: quy trình thu thập, kiểm đếm và xác nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống quốc gia”.

Các cáo buộc trên bắt nguồn từ cuộc điều tra quy mô lớn của Cố vấn đặc biệt Jack Smith – người cũng chịu trách nhiệm cho vụ án liên quan tới việc ông Trump lưu trữ bất hợp pháp các tài liệu an ninh quốc gia khi rời nhiệm sở và nói dối các quan chức thu hồi chúng.

Bản cáo trạng đề cập tới 6 đồng phạm nhưng ông Trump là người duy nhất bị truy tố. 6 người này không được nêu tên rõ ràng, nhưng bản cáo trạng bao gồm các chi tiết giúp xác định danh tính một số người trong số họ. Những người này bao gồm một luật sư “sẵn sàng lan truyền những tuyên bố sai trái có chủ ý”, một luật sư có “những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử” và một nhà tư vấn chính trị, người đã giúp đệ trình danh sách cử tri giả cho ông Trump.

Vụ việc đã được đệ trình lên tòa án liên bang của Washington, nơi ông Trump dự kiến sẽ xuất hiện lần đầu tiên vào 3/8. Ngoài ra, ông cũng sẽ xuất hiện trước tòa tại New York vào tháng 3/2024 tới liên quan tới cáo buộc thanh toán tiền bịt miệng được thực hiện trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và vào tháng 5/2024 liên quan tới vụ án tài liệu mật.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.