Rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng do đình công tại cảng lớn nhất Anh

Đình công ảnh
14:40 - 23/08/2022
Các thành viên của Công đoàn Unite xếp hàng biểu tình tại lối ra vào cảng Felixstowe. Ảnh: PA Media
Các thành viên của Công đoàn Unite xếp hàng biểu tình tại lối ra vào cảng Felixstowe. Ảnh: PA Media
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc đình công kéo dài 8 ngày của khoảng 1.900 công nhân vận tải tại cảng container Felixstowe lớn nhất Anh được cho là sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng đối với ​​chuỗi cung ứng hàng hóa của nước này.

Sky News dẫn lời cảnh báo của ông Robert Morton, một quan chức đứng đầu Công đoàn Unite (Liên đoàn Lao động lớn nhất nước Anh) cho biết, “sẽ có thêm các cuộc đình công” khác nếu như khoảng 1.900 công nhân tại cảng (nhân viên lái cẩu, điều khiển máy móc, bốc xếp hàng hóa…) không được đáp ứng các yêu cầu.

Cảng Felixstowe đang xử lý khoảng 48% lượng hàng chở bằng container trên cả nước với khoảng 2.550 công nhân. Việc công nhân đình công sẽ tác động lớn đến các công ty vận tải biển.

Những công nhân tại cảng Felixstowe mong muốn được tăng lương, trong bối cảnh lạm phát tại Anh tăng cao kỷ lục. Ảnh: PA Media

Những công nhân tại cảng Felixstowe mong muốn được tăng lương, trong bối cảnh lạm phát tại Anh tăng cao kỷ lục. Ảnh: PA Media

“Tôi thừa nhận rằng chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Đó là một trong những hậu quả đáng tiếc khi việc này xảy ra. Chuyện này có thể kết thúc khi bên tuyển dụng gặp chúng tôi để đàm phán. Thông điệp cuối cùng trước đó họ đưa ra cho chúng tôi là sẽ đồng ý gặp, nhưng sẽ không nhượng bộ. Đó là một cách tiếp cận sai lầm”, ông Morton nói.

Công đoàn Unite đang yêu cầu tăng lương ở “mức chấp nhận được” từ 7 đến 12,3% trong bối cảnh lạm phát tại quốc gia này đang tăng vọt và chạm mức kỷ lục 12,3%. Tuy nhiên, mức tăng lương đề xuất từ nhà điều hành cảng biển Felixstowe đối với người lao động là 7% - thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ lạm phát.

Cảng Felixstowe - cảng lớn nhất nước Anh và là nơi xử lý hàng hóa từ hàng triệu chuyến tàu. Ảnh: PA Media

Cảng Felixstowe - cảng lớn nhất nước Anh và là nơi xử lý hàng hóa từ hàng triệu chuyến tàu. Ảnh: PA Media

Bà Sharon Graham - Tổng thư ký của Công đoàn Unite cho biết cảng Felixstowe đã ghi nhận lợi nhuận khổng lồ trong những năm qua. “Các số liệu mới nhất cho thấy vào năm 2020, hãng này đã kiếm được 71 triệu USD. Cùng năm đó, công ty mẹ của Felixstowe - CK Hutchison thậm chí đã chi 116 triệu USD cho các cổ đông của mình. Vì vậy, họ cần tăng lương cho các công nhân một cách xứng đáng”, bà nhận định.

Nhiều doanh nghiệp có vận chuyển hàng hóa tại cảng Felixstowe bày tỏ lo ngại về tình hình hiện nay và cho biết cuộc đình công càng kéo dài thì họ càng bất lợi.

"Về lâu dài, nếu tình hình không được giải quyết, nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi và cả cảng Felixstowe với tư cách là một khu vực hoạt động an toàn. Khách hàng sẽ tìm cách chuyển đến một bến đỗ mới", ông Mark Woodward - người đại diện cho công ty vận tải DFDS Seaways nói với Sky News.

Anh đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do cuộc đình công tại cảng Felixstowe. Ảnh: Sky News

Anh đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do cuộc đình công tại cảng Felixstowe. Ảnh: Sky News

Trong khi đó, đại diện hãng vận tải Turners of Soham cho biết, cuộc đình công ảnh hưởng lớn đến công ty này do khoảng 30% lượng hàng hóa đang được lưu thông qua cảng Felixstowe. Phía công ty cho biết thêm rằng họ có thể tiếp tục hoạt động bình thường trong 2 - 3 ngày tới.

Công ty vận tải Openultra, có trụ sở tại Felixstowe, cho biết nếu các đơn hàng được chuyển sang các cảng khác để tránh chậm trễ, những khách hàng của họ sẽ phải tốn thêm chi phí.

Hiện nước Anh đang phải đối mặt với làn sóng đình công kỷ lục do lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trước đó, các nhân viên đường sắt đã tiến hành đình công trong hai ngày 18/8 và 20/8, gây tê liệt mạng lưới tàu điện ngầm London. Nhân viên ngành bưu chính cũng đang lên kế hoạch đình công 4 ngày vào cuối tháng này.

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), lạm phát của nước này trong tháng 7 đã lên đến 10,1%. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng đưa ra dự báo mức lạm phát tại Anh năm nay có thể đạt đỉnh trên 13% - mức cao nhất kể từ năm 1980. Cơ quan này cũng cảnh báo kinh tế nước Anh sẽ chìm vào cuộc suy thoái kéo dài vào cuối năm nay và công bố đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1995.

Tin liên quan

Đọc tiếp