Canada thiết lập quy tắc đàm phán giữa Google, Meta và cơ quan báo chí

truyền thông canada
14:25 - 25/08/2023
Canada thiết lập quy tắc đàm phán giữa Google, Meta và cơ quan báo chí
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 25/8, Canada bắt đầu thiết lập một khuôn khổ đàm phán giữa các cơ quan báo chí, tổ chức tin tức với các công ty công nghệ như Google, Meta.

Theo Reuters, Cơ quan phát thanh, truyền hình và viễn thông Canada (CRTC) được giao nhiệm vụ hoàn thiện các quy tắc và sẽ là cơ quan giám sát các cuộc đàm phán giữa các nhà xuất bản tin tức Canada với các nền tảng trực tuyến.

CRTC sẽ tổ chức một cuộc tham vấn cộng đồng về khuôn khổ đàm phán vào mùa thu năm nay. Đồng thời, cơ quan này sẽ công bố và quy tắc ứng xử của Đạo luật Tin tức trực tuyến của Canada (hay còn được gọi là C-18) vào mùa hè năm 2024 và việc thương lượng bắt buộc có thể bắt đầu vào đầu năm 2025.

Đạo luật Tin tức trực tuyến của Canada được xem là một phần trong xu hướng toàn cầu nhằm buộc các công ty công nghệ như Google và Facebook phải trả phí cho nội dung các tin tức báo chí xuất hiện trên nền tảng của mình, đã trở thành luật vào tháng 6 nhưng vẫn chưa có hiệu lực.

Về phía Google, ông Richard Gingras, Phó Chủ tịch phụ trách mảng tin tức của Google cho biết, công ty sẽ phải xoá các liên kết đến các bài báo được tìm thấy trong kết quả tìm kiếm của Canada nếu dự luật C-18 được thông qua.

Năm nay, Google tiến hành thử nghiệm chặn quyền truy cập tin tức của một số người dùng Canada như một phản ứng dự phòng cho tương lai khi đạo luật được thông qua. Tương tự với Meta phải ngừng cung cấp nội dung tin tức ở Canada, bà Rachel Curran, người đứng đầu bộ phận chính sách công của Meta tại Canada tiết lộ.

Trong năm 2022, Google đã thực hiện hơn 3,6 tỷ hoạt động liên kết tới các bài báo của nhiều tổ chức báo chí tại Canada. Còn đối với Facebook, các nguồn cấp dữ liệu trên ứng dụng này đã mang lại cho các nhà xuất bản tin tức của Canada hơn 1,9 tỷ lần "nhấp chuột" trong 12 tháng (tính đến tháng 4/2022).

Sự kết hợp này từng giúp các hãng tin và các công ty công nghệ cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, các nền tảng công nghệ và mạng xã hội đang "bóp nghẹt" nguồn thu nhập của các tổ chức tin tức và báo chí ngày một nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, bà Curran cho rằng: "Một khuôn khổ yêu cầu chúng tôi phải bồi thường cho các nhà xuất bản tin tức về các liên kết hoặc nội dung tin tức mà họ tự nguyện đưa lên nền tảng của chúng tôi là điều không khả thi".

Thời gian gần đây, độc giả thường xem tin tức miễn phí trực tuyến trên Facebook và Google thay vì trang báo chính thống. Điều này dẫn đến tình trạng các bài báo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội có thể khiến lượt tương tác và thu nhập của các tổ chức tin tức, báo chí gặp khó khăn.

Báo cáo của cơ quan giám sát ngân sách Quốc hội Canada công bố tháng 10/2022 ước tính dự luật C-18 sẽ giúp các cơ quan truyền thông Canada thu được khoảng 250 triệu USD mỗi năm từ các nền tảng số.

Do đó, nhiều quốc gia như Australia, New Zealand và Indonesia đang tìm cách yêu cầu các công ty công nghệ lớn trả tiền cho các cơ quan báo chí nếu muốn hiển thị, chia sẻ tin tức trên nền tảng xã hội của mình.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.