Cuộc cạnh tranh ngầm trên thị trường gia vị Việt

Gia vị Việt nAM
14:23 - 15/04/2022
Các sản phẩm gia vị Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới nên giá cả không tương xứng với giá trị.
Các sản phẩm gia vị Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới nên giá cả không tương xứng với giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và với các sản phẩm ngoại nhập. Một cuộc cạnh tranh không dễ thấy ở bề mặt, nhưng thực tế đầy quyết liệt và sống động.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh kể lại câu chuyện bà từng thấy một doanh nghiệp Thái xây nhà máy cung cấp cho người Mỹ sản phẩm phở Việt Nam đúng điệu Việt Nam tại triển lãm ThaiFex.

“Tôi phải chúc mừng họ mà tím gan tím ruột vì đó là sản phẩm của người Việt mình mà”, bà Hạnh bày tỏ tại cuộc toạ đàm "Dòng chảy thị trường gia vị Việt”, sáng 15/4.

Xây dựng thương hiệu gia vị Việt trên thị trường quốc tế và đẩy mạnh công nghệ chế biến sản phẩm đang trở thành xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt và các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực này. Đây là cuộc cạnh tranh không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn về giá trị thương hiệu.

Thiếu một thương hiệu để khẳng định giá trị

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất gia vị Việt Nam và các công ty nhập ngoại ngày càng căng thẳng.

Sự căng thẳng này một mặt đưa ra tín hiệu tốt là các sản phẩm gia vị, thực phẩm Việt ngày càng có vị thế trong thị trường trong nước và quốc tế. Nhưng mặt khác cũng đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho chất lượng và thương hiệu nếu muốn thắng không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà ngay cả tại thị trường trong nước.

Một ví dụ được đưa ra tại cuộc toạ đàm là trường hợp quả xoài hữu cơ của Mexico vỏ không đẹp bằng, giá không ngon bằng xoài Cát Lộc của Việt Nam, nhưng vẫn có vị thế trên các thị trường xuất khẩu hơn. Bởi đơn giản là sản phẩm của Mexico đã xây dựng được thương hiệu hữu cơ còn Việt Nam thì chưa.

Ảnh tác giả

“Các sản phẩm gia vị Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới nên giá cả không có tương xứng với giá trị. Để thay đổi điều này cần có thời gian và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng này. Nếu các doanh nghiệp bắt tay với nhau cùng hợp sức sẽ tạo thành thương hiệu cho tất cả gia vị của Việt Nam”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Từ góc nhìn của một chuyên gia thị trường, ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty giải pháp quản trị tổng thể IMS phân tích, khi nói đến thương hiệu của dòng sản phẩm nông nghiệp là nói đến một dòng sản phẩm gắn với vị trí địa lý nào đó có tiếng trên thế giới, như: Gạo Thái Lan, rượu nho Pháp….

Tuy nhiên, nói đến gia vị Việt Nam trên thế giới vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Để một sản phẩm Việt Nam lan tỏa được ra thế giới thì cần phải mạnh ở thị trường nội địa.

Theo đại diện của IMS, doanh nghiệp nên xây dựng lộ trình phát triển 2 bước: Trước tiên là chấp nhận con đường gia công để đi nhanh. Khi doanh nghiệp đã đủ lực đủ lực, đủ tiền, đủ hiểu biết thị trường, thì sẽ đi những bước lớn hơn, dài hơn, đầu tư công nghệ, truyền thông để khẳng định thương hiệu.

Chế biến là xu hướng của thị trường gia vị Việt

Xuất phát từ thực tế gia vị là một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay, ông Ngô Đình Dũng cho rằng, con người không chỉ dừng lại ở việc ăn no mà còn muốn ăn ngon hơn, đẹp mắt hơn.

“Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ ưa sự thuận tiện dễ dàng hơn trong việc chế biến món ăn. Do vậy, xu hướng sử dụng các gia vị đóng gói cũng tăng mạnh như tương ớt, nước sốt, nước chấm… ngày càng phổ biến”, ông Dũng nói, vấn đề là thương hiệu và chất lượng sẽ tạo ra thị hiếu.

Ảnh tác giả

“Vấn đề là cần khai thác đúng thị hiếu thị trường, nhất là người tiêu dùng trẻ - đối tượng sẵn sàng chi tiêu trải nghiệm sản phẩm mới. Hướng đi vẫn nên là tập trung các sản phẩm tiện lợi và mang bản sắc của những công thức bí truyền tăng tính trải nghiệm”.

Ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty IMS

“Nếu chúng ta nghĩ gia vị là thành phẩm sẵn cho từng loại món ăn thì thị trường gia vị rất là rộng lớn. Đặc biệt, với người Việt và người châu Á các khẩu vị ăn uống của họ rất tinh tế”, ông Dũng khẳng định.

Trong khi đó, với tư cách là một doanh nghiệp từng xuất khẩu chính ngạch thành công gia vị Việt Nam sang rất nhiều thị trường lớn trên thế giới, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH TM – Dịch vụ - Sản xuất Trí Việt Phát nhìn nhận, hàng năm Việt Nam xuất khẩu nhiều gia vị thô như quế hồi, đinh hương, thảo quả… mà chưa tập trung vào các sản phẩm chế biến.

Là nhà cung ứng gia vị cho nhiều khách hàng trong đó có Jolibee, KFC.., bà Vân Anh chia sẻ kinh nghiệm, đối với những nhãn hàng có hệ thống ở nhiều quốc gia trên thế giới thì món ăn của họ phải đạt ngưỡng đồng bộ, ở đâu cũng giống nhau.

Ảnh tác giả

“Các nhà hàng yêu cầu khắt khe nhất không phải là ngon nhất mà cần đồng đều nhất. Nếu hôm nay ngon nhất nhưng ngày mai không đạt bằng thì khách hàng sẽ không đánh giá so sánh sản phẩm của nhãn hàng đó với nhãn hàng khác mà đánh giá với chính bản thân cửa hàng này của ngày hôm qua”.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Trí Việt Phát

Dẫn lời một đối tác, bà Vân Anh cho rằng những nhà kinh doanh gia vị Việt Nam phải thay đổi, đầu tư nhiều hơn cho công nghệ chế biến. Dù thay đổi sẽ tốn rất nhiều chi phí nhưng nếu chịu thay đổi thì chúng ta sẽ trở thành “người lớn” hơn hôm nay, học hỏi được nhiều chuyên gia và tiếp cận được với các dây chuyền sản xuất hiện đại, khách hàng lớn hơn.

Khác với các nhà kinh doanh, với vai trò là một đầu bếp từng hợp tác với nhiều công ty, ông Nguyễn Huỳnh Đăng Tuyên đánh giá, các công ty kinh doanh trong nghề thực phẩm đã qua giai đoạn chỉ nhập thô gia vị mà cần những sản phẩm đã qua chế biến, đặc biệt những nhà hàng chuỗi sẽ gia tăng yêu cầu này trong thời gian tới.

Ông cho biết đã quan sát thấy có những loại gia vị cần được chế một cách đồng bộ theo một công thức riêng của từng nhà hàng. Điều này xuất phát từ thực tế nếu dùng gia vị thô sẽ không đạt được sự đồng đều.

“Người đầu bếp ở các nhà hàng tiêu chuẩn không thể đi theo sản phẩm theo mùa mà cần cố định công thức với những nguyên liệu tiêu chuẩn để tạo ra được hương vị đồng bộ”, ông Tuyền nhấn mạnh.

Ảnh tác giả

“Chanh mùa này có thể chua hơn chanh mùa khác, hay ớt nơi này cay hơn ớt trồng nơi khác, nhưng nếu đã qua chế biến theo công thức sẽ tránh được việc mất mùa và thiếu gia vị theo mùa, không đồng bộ”.

Đầu bếp Nguyễn Huỳnh Đăng Tuyên

Để bắt kịp xu hướng dòng chảy của thị trường gia vị sôi động hiện nay, bà Vũ Kim Hạnh khuyến nghị các doanh nghiệp cần tập trung hơn nữa vào công nghệ sản xuất nâng tầm chất lượng sản phẩm. Sự nghiên cứu khoa học mang lại giá trị thương mại cho các doanh nghiệp rất cao.

“Sấy và lên men đang là xu hướng gia vị của thời đại bởi tính tiện lợi và lưu trữ được lâu dài. Để thực hiện được những sản phẩm này bắt buộc cần dùng đến công nghệ”, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp