EU muốn cấp 90% lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga cho Ukraine

tài sản NGA
10:23 - 21/03/2024
Ngân hàng trung ương Nga. Ảnh: TASS
Ngân hàng trung ương Nga. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch sử dụng hàng tỷ USD lợi nhuận từ tài sản phong tỏa của Nga để mua vũ khí cho Ukraine, cũng như hỗ trợ Kiev phục hồi và tái thiết do chiến sự. 

Reuters đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 20/3 đã đề xuất chuyển cho Ukraine khoản lợi nhuận từ 2,5-3 tỷ Euro (2,73-3,3 tỷ USD) mỗi năm được tạo ra từ tài sản của Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ở châu Âu kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào năm 2022.

90% khoản lợi nhuận này sẽ được chuyển qua Quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu để mua vũ khí cho Ukraine, phần còn lại sẽ được sử dụng để phục hồi và tái thiết.

Số tiền chính xác mà Kiev nhận được mỗi năm sẽ phụ thuộc vào lãi suất toàn cầu, vì lợi nhuận là tiền lãi từ khoảng 210 tỷ Euro tài sản của Ngân hàng trung ương Nga được nắm giữ bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau ở 27 quốc gia EU.

Ngoài ra, Ukraine cũng sẽ nhận được khoản thuế 25% hàng năm mà chính phủ Bỉ đánh vào lợi nhuận. Tổng tài chính mà Ukraine nhận được từ các tài sản Nga bị đóng băng ở EU sẽ đạt tổng cộng từ 4-4,5 tỷ Euro (4,3-4,9 tỷ USD) trong năm nay.

Trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày (21-22/3), các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về kế hoạch trên. Nếu đề xuất của EC được các chính phủ thành viên EU chấp thuận, khoản lợi nhuận sẽ được chuyển cho Ukraine hai lần một năm, với đợt đầu tiên diễn ra vào tháng 7.

27 thành viên của khối cũng sẽ tranh luận về cách châu Âu có thể làm nhiều hơn để tự vệ và thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí, trong bối cảnh lo ngại cuộc chiến tại Ukraine có thể lan rộng và Mỹ có thể không còn là “người bảo vệ vững chắc” cho châu Âu trong tương lai.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo EU cũng sẽ đề cập đến các vấn đề khác như cuộc chiến tại Dải Gaza, triển vọng mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU với Estonia và các cuộc biểu tình của nông dân.

Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Ảnh: Getty Images

Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Ảnh: Getty Images

Đề xuất của EC được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU - cho biết khối 27 thành viên sẽ phải “sáng tạo hơn” trong việc cung cấp thêm nguồn tài trợ cho Ukraine nếu Mỹ cắt giảm hỗ trợ.

Phát biểu trong phỏng vấn với hãng tin Sud Ouest của Tây Ban Nha công bố hôm 19/3, ông Josep Borrell đề xuất EU nên sử dụng lợi nhuận do dự trữ ngân hàng trung ương bị đóng băng của Nga tạo ra để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Phản ứng với đề xuất của nhà ngoại giao EU, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng phát biểu ông Borrell được coi là “một tuyên bố khác trên tinh thần hướng tới việc phá hủy nền tảng pháp lý của luật pháp châu Âu và quốc tế”.

Ông Peskov đồng thời cảnh báo rằng động thái như vậy sẽ hủy hoại danh tiếng EU đối với nguyên tắc miễn trừ tài sản. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng Moscow sẽ có hành động đáp trả nếu phương Tây tịch thu tài sản của họ.

Sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, phương Tây đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Moscow, đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản nước ngoài của Ngân hàng trung ương Nga. Trong số đó, có hơn 200 tỷ USD hiện do EU nắm giữ.

Các quan chức Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phong tỏa các tài sản này, cũng như cảnh báo bất kỳ nỗ lực chiếm đoạt tài sản nào cũng sẽ gặp phải phản ứng “ăn miếng trả miếng”.

Tin liên quan

Đọc tiếp